Các đối tượng ổn định về tâm lý
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023 của Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua Trung tâm đã thực hiện tư vấn trực tiếp tại Trung tâm và cộng đồng đối với với 56 trường hợp bị bạo lực, bị trầm cảm, gia đình có trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí… Sau khi được tư vấn, hỗ trợ, các đối tượng đã cơ bản giải quyết được vấn đề, ổn định về tâm lý.
Cùng với đó, Trung tâm đã phối hợp với phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Hà và Thành phố Móng Cái thực hiện thu thập thông tin, lập danh sách 80 đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp để đưa vào diện quản lý trường hợp.
Về hoạt động can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp, trong 9 tháng đầu năm Trung tâm thực hiện hỗ trợ khẩn cấp đối với 13 trường hợp. theo đó, những đối tượng thuộc diện can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp được Trung tâm thực hiện kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cơ bản, chính đáng của đối tượng; hạn chế thấp nhất những rủi ro cho bản thân, gia đình đối tượng và xã hội.
Đối với mô hình can thiệp, trị liệu tâm lý cho trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, Trung tâm đã sàng lọc, đánh giá đối với 31 trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí, trong đó có 27 trẻ có địa chỉ thường trú tại Thành phố Hạ Long, 2 trẻ tại huyện Ba Chẽ, 2 trẻ tại Thành phố Cẩm Phả. Trung tâm thực hiện can thiệp trị liệu cho 15 trẻ có biểu hiện tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và đã kết thúc trị liệu đối với 01 trẻ.
Với mô hình Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ được Trung tâm CTXH thành lập và vận hành từ năm 2015. Hàng năm, Câu lạc bộ đã thu hút từ 40-50 hội viên là những phụ huynh có con em gặp phải hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, những giáo viên mầm non và những nhân viên trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại các đơn vị công lập (Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần,..), cơ sở tư thục. Câu lạc bộ nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng cho các hội viên nhằm thực hiện tốt các hoạt động trị liệu cho trẻ tại gia đình cũng như tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, Câu lạc bộ không được cấp kinh phí hoạt động nên khó khăn trong việc duy trì câu lạc bộ, đặc biệt là việc mời các chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ chuyên môn cho Câu lạc bộ.
Về mô hình can thiệp, trị liệu tâm lý cho trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, đã được Trung tâm CTXH triển khai từ nhiều năm trước do có đội ngũ hợp đồng công việc, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ có 03 viên chức có chứng chỉ đào tạo về giáo dục đặc biệt. Trong khi đó hoạt động này đòi hỏi nhiều nhân công (một viên chức chỉ trị liệu được một trẻ trong một khoảng thời gian nhất định). Vì vậy việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của Mô hình cần có thêm thời gian để đào tạo thêm viên chức mới, hướng đến việc có thêm viên chức có chứng chỉ để nhằm thực hiện Mô hình được đảm bảo và chuyên nghiệp.
Trong những tháng cuối năm 2023, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tham mưu thực hiện Dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam” AIMDIV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026.
Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Hà, Móng Cái thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trợ giúp 80 đối tượng yếu thế và thực hiện đóng các ca theo quy định.
Tiến hành các thủ tục in ấn và phát hành sổ tay ghi chép, hướng dẫn nghiệp vụ dành cho cộng tác viên công tác xã hội và sổ tay hỏi đáp về kỹ năng phát hiện sớm, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ chậm phát triển, tự kỷ.
Tổ chức 15 lớp tập huấn hướng dẫn phương pháp đánh giá, nhận biết trẻ rối loạn hành vi; Kiến thức phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho phụ huynh và giáo viên bậc mầm non tại thị xã Quảng Yên và thị xã Đông Triều.
Thực hiện hoạt động 05 lớp tập huấn kỹ năng nhận biết, hỗ trợ người bị rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ tại cộng đồng cho đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội, y tế cơ sở trên địa bàn huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên. Triển khai thực hiện hoạt động sàng lọc, đánh giá và trị liệu miễn phí đối với trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm.
Nhiều hình thức trợ giúp đối tượng yếu thế
Trong thời gian tới, Trung tâm CTXH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi Thông tư số 02/2018/TT-BLĐTBXH ngày 27/4/2018 quy định định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội để Trung tâm có thể xây dựng được định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ của các nhiệm vụ của Trung tâm.
Hướng dẫn Trung tâm xây dựng đơn giá dịch vụ sàng lọc, trị liệu cho trẻ có biểu hiện tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm theo hình thức: Nhà nước đặt hàng (đối với trẻ thuộc diện chính sách theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh) khi chính sách của Sở trình được HĐND tỉnh ban hành; thu phí đối với trẻ không thuộc diện chính sách…
Theo Báo điện tử Dân sinh