Phụ nữ khuyết tật Việt Nam cần tự tin vươn lên và cần có thêm nhiều chương trình tôn vinh

Mang trong mình dòng máu lạc hồng, là những đại diện tiêu biểu cho ý chí, giá trị của những thế hệ con cháu của bà Trưng, bà Triệu anh hùng, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng đã và đang ngày càng khẳng định vị trí, vị thế của mình không hề “thua kém” phái mạnh hay những đấng mày râu. Họ còn là những tấm gương về nghị lực sống, ý chí và khát vọng cống hiến. Và bên cạnh việc Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội dành nhiều sự quan tâm, người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng đã và đang tự “dựa” vào chính mình, chiến thắng bản thân, vượt lên số phận, hoàn cảnh cùng những khó khăn. Và có như vậy, những chính sách, sự quan tâm, hỗ trợ đối với họ mới thực sự có ý nghĩa.

Có thể nói, bằng những nỗ lực bền bỉ, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia rút ngắn khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ trong đó có phụ nữ khuyết tật.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2016 Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số cả nước. Trong đó, phụ nữ khuyết tật chiếm khoảng 58% tỷ lệ người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật Việt Nam thường phải đối mặt với những tác động kép, thậm chí là đa tầng đến từ vấn đề khuyết tật, giới và văn hóa…

Trước hết, phải khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm đến người khuyết tật nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng. Và sự quan tâm đó được thể hiện bằng nhiều quy định, chính sách pháp luật và ngày càng hoàn thiện để đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của con người.

Trong đó, phải kể đến những chính sách nhằm hỗ trợ người khuyết tật cũng như phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, làm kinh tế, đảm bảo sinh kế…; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng thành tựu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Hay Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy thực thi các chính sách, hỗ trợ người khuyết tật trên nhiều mặt của đời sống xã hội… Hiện Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới cũng như lồng ghép các vấn đề của người khuyết tật cùng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Điều đó, khẳng định những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bình đẳng giới tại từng giai đoạn phát triển. Đồng thời là cơ hội để phụ nữ khuyết tật phát triển bản thân, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù vẫn còn có nhiều phụ nữ khuyết tật cũng như người khuyết tật nói chung chưa tiếp cận được đầy đủ các chính sách; hay một số chính sách không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung; công tác thực thi chính sách cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Vấn đề tiếp cận giao thông, tiếp cận các công trình công cộng, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe…. Thế nhưng, vai trò của bản thân mỗi cá nhân vẫn luôn là quan trọng nhất trong mọi hoạt động của chính mình, góp phần vào thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả, hiện thực hóa quyền của người khuyết tật.

Chính vì vậy, phụ nữ khuyết tật và người khuyết tật nói chung nếu không thực sự nỗ lực, cố gắng vượt qua những khó khăn, rào cản, thách thức, vượt lên trong cuộc sống, khẳng định vị thế bản thân thì dù Nhà nước và cộng đồng xã hội có dành nhiều sự quan tâm thế nào, các chính sách hỗ trợ có tốt đến đâu cũng sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn; cũng như rất khó để có thể hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng xã hội… Nhất là trên thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện đại, chị em phụ nữ phải gánh vác nhiều trách nhiệm từ công việc đến gia đình, cộng đồng. Và điều này càng đúng đối với những phụ nữ khuyết tật, khi họ phải vượt qua nhiều rào cản để chứng tỏ bản thân.

Do đó, phụ nữ khuyết tật bên cạnh việc phát huy những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cũng như của người khuyết tật Việt Nam bên cạnh các giá trị truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc thì cần một nội lực vô cùng lớn; phát huy sức mạnh từ ý chí và niềm tin… Bởi đây cũng là một trong những chìa khóa giúp họ vươn lên mạnh mẽ. Nếu như ý chí giúp chúng ta không bỏ cuộc trước những khó khăn, thì niềm tin vào bản thân và tương lai là nguồn động lực giúp chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường mà không bỏ cuộc…

Sự vươn lên mạnh mẽ đó còn là sức mạnh để những khó khăn và rào cản không thể ngăn cản họ vượt qua những thách thức để khẳng định vị thế và giá trị bản thân; là tấm gương đồng thời cũng là động lực truyền cảm hứng cho những người khác. Từ đó có thể sống độc lập, hòa nhập xã hội một các bình đẳng và đầy đủ cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Đồng thời, phụ nữ khuyết tật cũng cần lấy khó khăn biến thành cơ hội, lấy đó là động lực phát triển bản thân; rèn luyện sự bền bỉ và khả năng thích nghi; coi mỗi thử thách là một bài học quý giá, từ đó trở nên mạnh mẽ hơn; chinh phục bản thân và minh chứng cho cộng đồng, xã hội.

Có thể lấy phương châm “không có gì là không thể” để làm kim chỉ nam, noi theo những tấm gương nghị lực để phấn đấu, xóa bỏ các định kiến; nuôi dưỡng khát vọng cho bản thân, gia đình để lấy đó làm động lực vươn lên.

Thế nhưng, cùng với sức mạnh tự thân, để phụ nữ khuyết tật tự tin vươn lên còn cần sự đồng hành của gia đình, cộng đồng và xã hội cũng như các chính sách. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để “kéo” phụ nữ khuyết tật thoát ra khỏi những “mặc cảm, tự ti” hay những rào cản vô hình ràng buộc họ trong những “vòng kim cô”; là cơ hội để họ minh chứng khả năng, năng lực, sức mạnh hay phát huy những tiềm năng, giá trị của chính mình.

Chúng ta có thể thấy rằng, đã có rất nhiều tấm gương của những phụ nữ khuyết tật đã tự tin vươn lên, họ không chỉ chiến thắng bản thân, vượt lên số phận mà còn giúp các trường hợp đồng cảnh là phụ nữ nói riêng, người khuyết tật nói chung thậm chí cả những người không khuyết tật. Họ cũng có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội cũng như công cuộc phát triển đất nước. Có thể kể đến nhiều gương mặt như: Bà Dương Thị Vân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội; bà Phan Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC; bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ; và còn nhiều gương mặt phụ nữ khuyết tật tiêu biểu khác đã và đang là lãnh đạo các tổ chức của và vì người khuyết tật, chủ các doanh nghiệp, các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xã hội….. đã được tôn vinh hay được cộng đồng cùng các cá nhân ghi nhận. Đó là những tấm gương phụ nữ vừa hồng vừa chuyên chính là minh chứng cho sự kiên trì và nỗ lực không ngừng.

Chính vì vậy, phụ nữ khuyết tật có thể và cần phải tự tin vào bản thân để vươn lên và đạt những thành công đáng tự hào; biến những hạn chế thành động lực, sức mạnh để quyết tâm hơn trong khẳng định bản thân bên cạnh sự đồng hành của gia đình và cộng đồng xã hội. Mỗi câu chuyện thành công của phụ nữ khuyết tật không chỉ là minh chứng cho sự mạnh mẽ mà còn là nguồn cảm hứng để góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi tất cả mọi người đều có thể phát triển và đạt được những ước mơ của mình, bất chấp những rào cản, trở ngại về thể chất hay tinh thần…

Tin tưởng rằng, khả năng, sự tự tin và khát vọng,… phụ nữ khuyết tật Việt Nam có thể trở thành những lãnh đạo, những nhà sáng tạo, những tấm gương cho toàn xã hội. Sự phát triển của họ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và đất nước. Vì vậy, hãy cùng tôn vinh và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật , để họ không phải là những người cần được giúp đỡ mà họ còn là những người có khả năng giúp đỡ chính mình và những người khác. Họ cần sự tôn trọng, hỗ trợ và các cơ hội để vươn lên mạnh mẽ; sống một cuộc đời có ý nghĩa, đầy đủ và thành công.

Từ nhiều năm qua, nhân dịp các ngày kỷ niệm của phụ nữ nói chung, người khuyết tật nói riêng đều có những chương trình kỷ niệm, tôn vinh hay lồng ghép các vấn đề liên quan đến phụ nữ khuyết tật. Đặc biệt, năm 2022, sự kiện tôn vinh những người phụ nữ khuyết tật với chủ đề vươn lên mạnh mẽ mà Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng Trung tâm Sáng kiến phục vụ Cộng đồng khởi xướng tổ chức là một sáng kiến hay, một ý tưởng tổ chức chương trình có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với phụ nữ khuyết tật nói riêng và với NKT nói chung. Sự tham gia của gần 50 gương mặt phụ nữ khuyết tật tiêu biểu với đa dạng khuyết tật đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ khuyết tật tiêu biểu khác cùng những phụ nữ có nhiều đóng góp cho công tác người khuyết tật có mặt tại buổi lễ tuyên dương là minh chứng cho những giá trị và vị thế của phụ nữ khuyết tật Việt Nam.

Cùng với việc được diện kiến Phó Chủ tịch nước nhân sự kiện Tôn vinh Phụ nữ khuyết tật đã là nguồn động lực lớn lao; sự động viên, truyền cảm hứng đến đông đảo phụ nữ khuyết tật cũng như người khuyết tật nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Từ đó, góp phần để những chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng trách nhiệm, tình cảm của các cấp lãnh đạo, chính quyền đối với NKT thực sự đi vào đời sống; NKT được thụ hưởng những chính sách và sự quan tâm đó không chỉ vươn lên mạnh mẽ, thay đổi bản thân, hòa nhập cộng đồng mà tiếp tục có những đóng góp thực sự có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội. Góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch mà Việt Nam đã đề ra cũng như các cam kết quốc tế.

Có thể nói, qua những chương trình kỷ niệm, tôn vinh mà đặc biệt là được diện kiến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng là cơ hội để các tổ chức của và vì người khuyết tật và chính bản thân phụ nữ khuyết tật báo cáo những kết quả hoạt động, thành tích cá nhân; chia sẻ, gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nguyện vọng; góp phần nói lên tiếng nói của người khuyết tật….

Hy vọng, trong thời gian tới, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên, các tổ chức của và vì người khuyết tật; các cá nhân người khuyết tật và cộng đồng, xã hội cũng quan tâm nhiều hơn và có những hoạt động thiết thực hơn nữa để nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống; thúc đẩy họ hòa nhập vào cộng đồng xã hội một cách bình đẳng và đầy đủ; góp phần hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cũng như hoàn thành các mục tiêu.

Cũng hy vọng những tấm gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu và những phụ nữ có nhiều đóng góp cho công tác người khuyết tật và cộng đồng, xã hội sẽ tiếp tục là tấm gương cho phụ nữ khuyết tật và người khuyết tật nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung; lan tỏa và truyền cảm hứng tích cực để cùng chung tay xây dựng những giá trị cốt lõi của con người; góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở các câu chuyện truyền cảm hứng chia sẻ những bài học thành công, những kinh nghiệm quý báu của mỗi người, lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng để tất cả cùng vươn lên mạnh mẽ và hãy nhìn vào khả năng thay vì nhìn vào sự khác biệt bên ngoài như thông điệp “Nhìn thấu giá trị – đánh thức tiềm năng” mà Chương trình Vươn lên mạnh mẽ tôn vinh phụ nữ khuyết tật năm 2022 đã lựa chọn.

Ảnh minh họa một số chương trình tôn vinh phụ nữ khuyết tật

Bài viết liên quan

z5943510196382_46b7ea4685f022338fe4e05fe6dc695e

NỖI ĐAU DA CAM VÀ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC CHĂM SÓC NẠN NHÂN DA CAM/DIOXIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang