(ĐHVO). Trước đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển, cơ sở vật chất còn hạn chế, phiên tòa xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, mang tính răn đe tội phạm, giáo dục người dân phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số – chuyển đổi số hiện nay, phiên tòa xét xử lưu động có còn tỏ ra hiệu quả?
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Xét xử lưu động là gì?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể khái niệm xét xử lưu động, nhưng hiểu một cách đơn giản, xét xử lưu động là hình thức xét xử của Tòa án một cách công khai, ngoài trụ sở Tòa án, tại những địa bàn có tình hình tội phạm xảy ra phức tạp hoặc tạ nơi xảy ra hành vi vi phạm, nhằm mục đích răn đe, giáo dục ý thức pháp luật của người dân.
Việc đảm bảo tính công khai là một trong các nguyên tắc cơ bản trong việc xét xử của Tòa án. Theo Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ các trường hợp Bộ luật hình sự quy định hoặc các trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Do đó, trừ các trường hợp pháp luật quy định, mọi người dân đều có thể tham gia phiên tòa xét xử, tuy nhiên cần phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh, tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân thủ theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Việc có tổ chức xét xử lưu động hay không sẽ phụ thuộc vào Quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Khi xét thấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết để xét xử lưu động, Tòa án sẽ ra quyết định về thời gian, địa điểm, hình thức để các bên liên quan và người dân có thể tham dự, theo dõi.
Xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hướng tới nhiều đối tượng
Xét xử lưu động là hình thức xét xử một cách công khai, mọi thành phần công dân đều có thể tham gia phiên tòa để theo dõi phiên xét xử của Tòa án. Thông thường, các vụ án được xét xử lưu động là các vụ án về hình sự, liên quan đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn có tình hình tội phạm phức tạp hoặc tại những nơi người dân có trình độ nhận thức pháp luật chưa cao. Các vụ án hình sự với tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thường thu hút được nhiều người quan tâm, thuộc mọi đối tượng từ già tới trẻ, mọi tôn giáo, mọi vùng miền nên tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật của phiên tòa sẽ mang tính bao trùm, rộng rãi.
Xét xử lưu động có ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đảo dân tộc thiểu số. Các tỉnh vùng núi, có địa hình hiểm trở, giáp ranh biên giới như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai… là những tỉnh thường xảy ra các vụ án về ma túy, buôn bán người bởi nó giáp ranh với các nước khác, là điều kiện thuận lợi cho loại tội phạm này phát triển. Thêm vào đó, các tỉnh này có mật độ dân tộc thiểu số cao, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn này không những mang tính răn đe tội phạm, mà còn tạo sự công bằng, niềm tin vào pháp luật, trực tiếp giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân, giúp người dân nhận biết các hành vi vi phạm pháp luật và các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi vi phạm đó, từ đó hạn chế tội phạm tại địa phương, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, cuộc sống yên bình cho người dân.
Nhìn nhận theo một phương diện khác, việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động còn thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp trong một Nhà nước tiến bộ, văn minh. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của hệ thống pháp luật Việt Nam, nguyên tắc đảm bảo khách quan, minh bạch luôn được đề cập, khẳng định sự bình đẳng và công khai trong hoạt động tư pháp nói riêng và các hoạt động của mọi chủ thể nói chung.
Tổ chức phiên tòa xét xử lưu động còn nhiều ý kiến trái chiều
Bên cạnh ưu điểm lớn của hình thức tuyên truyền pháp luật này, việc xét xử lưu động cũng cần nhìn nhận lại theo nhiều phương diện và tình hình thực tế khách quan. Khi xét xử lưu động, có rất nhiều người tham gia, theo dõi diễn biến phiên tòa, một mặt để nhận biết hành vi phạm tội, mặt khác để thỏa mãn sự tò mò nên rất dễ xảy ra mất trật tự, thậm chí là quá khích từ các thành phần bạo động lợi dụng đám đông để lôi kéo bạo loạn. Ngoài ra, nhiều người dân do thiếu kiến thức pháp luật còn cho rằng bị cáo là người có tội, dù hội đồng xét xử chưa tuyên án. (Hiến pháp 2013 quy định “Một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án”.) Do đó, nếu bị cáo được Tòa án tuyên vô tội hoặc được hưởng hình phạt không quá nặng (có thể do tình tiết giảm nhẹ) sẽ dễ kích động, phản ứng trái chiều từ phía người dân. Hơn nữa, chi phí để tổ chức một phiên tòa xét xử lưu động lớn hơn rất nhiều so với việc tổ chức phiên tòa tại trụ sở Tòa án do phải huy động lực lượng từ phía chính quyền địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng chưa kể chi phí dẫn giải bị cáo đến nơi xét xử và lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự cho phiên tòa.
Mặt khác, đứng trên phương diện tâm lý của người bị đưa ra xét xử, chưa xét đến bản án do Tòa án quyết định, họ đã phải hứng chịu bản án từ phía công luận. Khi bị đưa ra xét xử công khai, trực tiếp trước nhiều người, xét về quyền con người của người bị đưa ra xét xử cũng không được bảo đảm, bởi lẽ danh dự, nhân phẩm của bị cáo có thể bị xâm phạm, và quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân có được đảm bảo hay không trong khi có bị cáo khác được xét xử tại Tòa án, có bị báo lại bị xét xử lưu động? Trong trường hợp bị cáo bị kết tội, sau khi chấp hành án phạt tù, cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do bị người dân, cộng đồng xa lánh, tẩy chay, thậm chí người thân của tội phạm cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, đối với tội phạm bị xét xử lưu động, sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì phải cần được tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo có cuộc sống bình thường và cống hiến cho xã hội.
Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc người dân theo dõi phiên tòa xét xử đã trở nên dễ dàng hơn khi không phải tham gia, có mặt trực tiếp tại địa điểm xét xử mà có thể theo dõi qua Internet, phát thanh, truyền hình, báo đài… Các bản án hiện nay đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án được thực hiện từ tháng 7/2017, giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với vụ án tại bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều chương trình hay về tường thuật, dàn dựng các vụ án có thật như Tòa tuyên án, Giải mã tâm lý tội phạm,… Ở đó, khán giả cũng có thể theo dõi hành vi phạm tội, các quy định của pháp luật về các hành vi cũng như bản án dành cho tội phạm. Đây là các hình thức tuyên truyền pháp luật mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn đáp ứng tính thời sự, chính xác, kịp thời.
Có thể nói, phiên tòa xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, trực tiếp và nhanh chóng tiếp cận số lượng lớn người dân. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng tích cực lẫn tiêu cực của nó đến cộng đồng xã hội. Người dân cần chủ động tìm hiểu, trau dồi và nâng cao kiến thức pháp luật của bản thân để phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn nơi sinh sống.
Hồng Liên