NỖI ĐAU DA CAM VÀ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC CHĂM SÓC NẠN NHÂN DA CAM/DIOXIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

LTS: “Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 33, nước ta có gần 70% gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ đói nghèo; 22% số gia đình có từ 03 nạn nhân trở lên; gần 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo… Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân Nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới, cho nên, họ rất cần sự chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin gây ra, là lương tâm, là trách nhiệm, là tình thương của cả cộng đồng và xã hội”.
  1. TỘI ÁC HÔM QUA… VÀ THẢM KỊCH ĐAU LÒNG HÔM NAY

 

Cuộc chiến tranh hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam, là cuộc chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, là tội ác không thể thứ tha. Đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong cho nhân dân Việt Nam mà chúng còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin (CĐDC/dioxin) nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của chúng ta, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 10/8/1961- là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, với những con số kinh hoàng, quân đội Mỹ đã tiến hành trên 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học có chứa 366 kg dioxin, trong đó 61% là CĐDC xuống 26.000 thôn, làng với diện tích khoảng 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Đến nay, tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để tập kết, vận chuyển chất độc hóa học (CĐHH), nồng độ dioxin vẫn còn rất cao, vẫn còn ảnh hưởng rất nặng, đặc biệt là ở các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.

Việc Mỹ sử dụng CĐDC/Dioxin ở chiến trường Việt Nam trong suốt 10 năm (1961-1971) đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 63 năm qua. Thực tế đã có gần 4 triệu người bị phơi nhiễm dioxin, trong đó, gần 3 triệu người bị nhiễm dioxin ở Việt Nam. Thảm họa da cam với biết bao thảm cảnh đau lòng không sao kể xiết, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, đói, khổ.

Chiến tranh kết thúc, hầu hết các cá nhân trở về đoàn tụ với gia đình đều mong muốn có cuộc sống kinh tế ổn định, hạnh phúc với những đứa con chăm ngoan, khỏe mạnh, học giỏi, thông minh. Song, ước mơ nhỏ nhoi đó của một bộ phận gia đình Việt Nam đã không thể thực hiện được. Trong số những gia đình đó, họ là những cựu chiến binh, thương binh, cựu thanh niên xung phong và có cả những người dân bình thường nhưng đã sống trong khu vực bị Mỹ rải CĐHH. Sau này, khi họ lập gia đình và đã sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh do cha mẹ đã bị nhiễm CĐHH. Số đông họ sống phải phụ thuộc vào người thân, không học tập được, không làm việc được, những chuỗi ngày dài phải sống trong bệnh tật, đớn đau. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền, vừa chào đời đã mất đi quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc…, hoặc nếu sống thì trí tuệ, sức khỏe và cả hình hài đều không bình thường, nhìn mà cám cảnh, đau lòng. Những sinh linh vô tội ấy đã trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn của gia đình, người thân và toàn xã hội. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC, số đông là bị dị dạng khuyết tật, dị tật hoặc tâm thần phân liệt…, đã làm cho nhiều cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2-3 người con đều bị tật nguyền, vô thức hoặc bị chết dần, chết mòn. Họ sinh ra và nuôi con tật nguyền với bao tình thương và trách nhiệm, nhưng sự sống mong manh của con cái lại bị đe dọa hàng giờ, hàng ngày mà ruột đau như cắt. Họ nuôi con càng nhiều năm, thì chừng ấy năm bị đau ốm, bệnh tật triền miên, kinh tế kiệt quệ, gia cảnh bần hàn, luôn phải đối mặt với sự sống và cái chết. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam đã có khoảng 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra, do cha mẹ của các em bị phơi nhiễm CĐDC. Nhiều ông bố, bà mẹ bị nhiễm CĐDC/dioxin thì mang trong người những căn bệnh quái ác như: bệnh ung thư và nhiều bệnh nan y khác… Di chứng CĐDC đã gặm nhấm từng tế bào trong cơ thể, giằng xé nỗi đau và cuộc sống của họ, chúng có thể truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4 của con người. CĐDC/dioxin còn làm tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, làm cho bị dị tật bẩm sinh, khuyết tật và các tai biến sinh sản khác…

Chất độc hóa học không những làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, mà nó còn ảnh hưởng không ít đến môi trường, sinh thái.

       Ở Việt Nam, môi trường ô nhiễm dioxin rất rộng, chủ yếu ở vùng nông thôn. Dấu vết của dioxin vẫn được tìm thấy trong đất ở hầu hết các vùng bị nhiễm nặng (khoảng 25 “điểm nóng”). Chất dioxin đã gây tác động nặng nề tới môi trường và dân cư địa phương. Theo các nghiên cứu tại một số điểm nóng như ở: Sân bay A So (Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng, Biên Hòa đã chỉ rõ, chất dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sống tại nơi đây. Quân đội Mỹ đã tàn phá môi trường trên qui mô rộng lớn và kéo dài trong nhiều năm, làm cho hệ sinh thái tự nhiên với diện tích rộng lớn ở Việt Nam bị phá hủy.

Trước chiến tranh, rừng miền Nam Việt Nam có diện tích bao phủ là 10,3 triệu ha. Diện tích các khu vực bị phun rải chiếm 24% diện tích Nam Việt Nam, 86% lượng CĐHH được rải lên đất rừng, 14% còn lại được rải lên đất nông nghiệp mà chủ yếu là đất trồng lúa và hoa màu. CĐHH đã phá hủy trên 150.000 ha rừng ngập mặn, khoảng 130.000 ha rừng tràm vùng Châu thổ sông Mê Kông, hơn 02 triệu ha đất rừng và hàng trăm nghìn ha đất rừng nội địa. Chất diệt cỏ rải với nồng độ cao, không chỉ phá hủy thành phần dinh dưỡng trong đất, làm cho đất bị cằn cỗi, mà với khí hậu nhiệt đới gió mùa, các khu rừng rất khó có thể tự phục hồi được. CĐHH còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng đầu nguồn, gây ra lũ lụt, sạt lở đất, biến dạng địa hình sinh sống…Tất cả những hậu quả đó, đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự sống của con người và động thực vật…

  1. SỰ QUAN TÂM THIẾT THỰC CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CÁC  TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI ĐỐI VỚI NẠN NHÂN DA CAM/DIOXIN

Ngay từ sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ kết thúc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách huy động sức mạnh của các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân, nhằm tìm mọi biện pháp, nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung chăm lo, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC/dioxin, để xoa bớt nỗi đau cho họ. Một số văn bản qui định về chế độ, chính sách đã được ban hành kịp thời, như: Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 05/02/2004 về trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 02 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả CĐHH; Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 05/7/2004 về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về Hướng dẫn điều kiện để làm căn cứ xem xét, giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ. Và để có chiến lược lâu dài, ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg về kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngày 14/4/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Chỉ thị số 43/CT-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và nhiều văn bản khác…

Tất cả các văn bản trên đây đã làm cơ sở để hàng năm, Nhà nước dành một phần ngân sách chi trả và trợ cấp cho nạn nhân và gia đình những người nhiễm CĐDC/dioxin. Cùng với đó, các tổ chức từ thiện xã hội, các doanh nhân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước đã thực hiện tài trợ kinh phí, thiết bị, xe lăn, tặng quà vào các dịp kỷ niệm, lễ, Tết…, nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Nhà nước đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Hội NNCĐDC/dioxin) từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, để có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho các nạn nhân nhiễm CĐHH.

Trong nhiều năm qua, các cấp Hội NNCĐDC/dioxin trong cả nước đã tích cực chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo cho nạn nhân da cam/dioxin bằng nhiều hình thức, nhiều việc làm đáng trân trọng. Hội còn nhận được sự sẻ chia, ủng hộ, giúp đỡ của nhiều Hội Hữu nghị, Hội Cựu chiến binh trên thế giới, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân và Chính phủ Mỹ. Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Quốc hội Mỹ đã chính thức phân bổ ngân sách cho Chương trình sức khỏe xử lý môi trường trong vấn đề giải quyết CĐDC/dioxin đối với con người; Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tài trợ cho Chương trình trợ giúp toàn diện và tích hợp cho người khuyết tật bị phơi nhiễm CĐDC. Mục tiêu chính của Chương trình là đào tạo công tác xã hội cho cán bộ quản lý và các cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho người khuyết tật, cải thiện chất lượng và tiếp cận các dịch vụ chuyên biệt dành cho người khuyết tật, như: Phẫu thuật, chỉnh hình, vật lý, trị liệu, giám sát dị tật bẩm sinh, thực hiện sàng lọc sau sinh, phát hiện ung thư và các dịch vụ tư vấn phụ nữ trước lúc mang thai…, nhằm làm giảm nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh cho người khuyết tật.

Được Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm chỉ đạo kịp thời, và các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, cùng chung tay chia sẻ nỗi đau da cam. Trong nhiều năm qua, nhiều Hội NNCĐDC/dioxin trong cả nước đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, huy động được hàng nghìn tỷ đồng,  tạo mọi điều kiện giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau da cam, tổ chức khám chữa bệnh, vật lý trị liệu,… để cho các nạn nhân CĐDC/dioxin hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

  1. HCM là một trong những địa phương điển hình làm tốt công tác này. Hiện, TP. HCM có khoảng trên 20.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐHH nhưng chỉ mới có hơn 5.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp hàng tháng, số còn lại hưởng mức trợ cấp chế độ dành cho người khuyết tật và một phần nhận được sự cưu mang của cộng đồng. Trên địa bàn TP. HCM hiện nay có trên 56.600 người khuyết tật (NKT), trong đó gần 51.500 người đã xác định mức độ khuyết tật. Để tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp đỡ, chăm lo cho NNDC, trong nhiều năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin Thành phố đã vận động tiền, quà trị giá hàng chục tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin. Từ đầu năm 2022 đến nay, từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Thành Hội và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin ở 15 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tích cực vận động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC với số tiền và hiện vật qui ra tiền là gần 10 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện các chương trình chăm lo cho các nạn nhân như: trợ vốn sinh kế, trợ cấp khó khăn, trao học bổng, cấp xe lăn, tặng quà vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày 10/8,… và hỗ trợ khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình cho 10.300 lượt nạn nhân da cam, khuyết tật. Hội còn được Thành phố cấp đất xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng (Làng Cam)  tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để tạo mọi điều kiện chăm lo cho các nạn nhân da cam đảm bảo cuộc sống ổn định.

Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng nạn nhân CĐDC/dioxin nhiều nhất cả nước. Trên địa bàn hiện nay đã có thế hệ thứ 4 ra đời do bị ảnh hưởng bởi CĐDC/dioxin. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã không đầu hàng số phận, họ đã sống, làm việc chăm chỉ và sáng tạo, không những ổn định cuộc sống mà còn có thể giúp đỡ người khác. Họ luôn nhận được sự yêu thương, giúp đỡ, chung tay chia sẻ mọi khó khăn của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể. Trong 5 năm trở lại đây, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai đã vận động gần 50 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe, xây sửa nhà, cho vay vốn không lãi, trao học bổng cho con em gia đình nạn nhân và giúp chi phí mai táng khi nạn nhân da cam qua đời…

Tỉnh Đồng Nai quan tâm, giúp đỡ, tạo sinh kế cho các gia đình nạn nhân da cam

 Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP. Cần Thơ Võ Thị Thanh Nga cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Thành Hội đã cố gắng xây dựng Hội vững mạnh để tổ chức vận động nguồn lực xã hội chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam. Tính đến nay, toàn Hội đã vận động được hơn 9,6 tỷ đồng, giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên cho trên 765 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nặng; 11.950 lượt nạn nhân da cam được chăm sóc, hỗ trợ thông qua các chương trình như: xây sửa nhà, trợ cấp thường xuyên theo địa chỉ đỏ, cấp học bổng, trợ vốn sản xuất, cấp phương tiện xe lăn, dạy nghề…

Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ngãi và các cấp hội đã vận động được gần 30 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ những người không may hứng chịu nỗi đau da cam. Hội đã thực hiện xây dựng và sửa chữa 53 ngôi nhà; trao tặng hơn 49.100 suất quà, 136 xe lăn, 154 suất học bổng, gần 100 con trâu, bò giống trao sinh kế cho nạn nhân da cam; sửa chữa, nâng cấp, mua trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng và nhiều chương trình thiết thực để giúp đỡ nạn nhân da cam yên tâm, hòa nhập cộng đồng. Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Tiến Tới cho biết: Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 20.700 nạn nhân da cam. Những hoạt động thiết thực của Hội cùng với sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể và toàn xã hội thời gian qua đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các gia đình nạn nhân có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua vết thương mà chiến tranh để lại, vươn lên trong cuộc sống.

Và còn rất nhiều, rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực…, mà chúng ta không sao kể hết. Tất cả những hoạt động tốt, những việc làm đáng trân trọng của họ dành cho các nạn nhân da cam/dioxin trong nhiều năm qua của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội từ thiện, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước,… là việc làm có ý nghĩa, chúng ta mãi mãi không quên, luôn ghi nhận và biết ơn những tấm lòng nhân ái tốt đẹp này.

Tạp chí Đồng Hành Việt phối hợp với Hội Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trao quà cho các trẻ em khuyết tật và trẻ em là nạn nhân da cam nhân dịp tết đến xuân về

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ- PCT Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin thăm và tặng quà cho nạn nhân da cam ở tỉnh Đồng Nai

      III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM LÀM TỐT CÔNG TÁC CHĂM SÓC, PHỤC VỤ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY  

Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động y tế, chăm sóc và phục vụ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở nước ta hiện nay, xin được đưa ra một số giải pháp sau đây:

  1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và chia sẻ nỗi đau với gia đình và nạn nhân da cam/dioxin.

Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, công tác tuyên tuyền, giáo dục nhằm làm cho mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức đúng và có trách nhiệm, hoạt động đúng đắn, phù hợp với việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng còn nhiều hạn chế. Kết quả thực hiện các văn bản của Đảng, Chính phủ, Nhà nước chưa cao, đồng thời còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Việc chia sẻ nỗi đau da cam ở nhiều địa phương chưa đồng bộ, chưa liên tục, dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ nạn nhân da cam chưa kịp thời, chưa thường xuyên.

Vì vậy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam phải được đẩy mạnh mọi lúc, mọi nơi. Phải nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết hậu quả CĐHH gây ra; đấu tranh đến cùng vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân. Rà soát, đề suất cấp vĩ mô, bổ sung thực hiện chính sách đối với các nạn nhân là thương binh, áp dụng đúng mức tỷ lệ nhiễm CĐHH. Tăng cường công tác giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình và nạn nhân nhiễm CĐDC/dioxin…

  1. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có năng lực, trình độ chăm sóc, phục vụ nạn nhân CĐDC/dioxin.

Hiện nay, mô hình chăm sóc, điều trị cho nạn nhân nhiễm CĐHH ở nhiều địa phương trong cả nước đang được tổ chức thành các trung tâm hoặc làng (như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Nhiệm vụ của các trung tâm là tiếp nhận, tổ chức nuôi dưỡng thường xuyên, chăm sóc, giáo dục, thực hiện dạy chữ, dạy nghề, điều trị và phục hồi chức năng,… có thời hạn, tạo điều kiện cho các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song thực tế các đội ngũ đang phục vụ tại đây, không những thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai việc tư vấn, hướng dẫn và thực hiện điều trị bệnh cho những người nhiễm CĐDC/dioxin.

Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế yêu nghề, có tay nghề, chuyên môn sâu, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân, đồng thời có biện pháp khắc khục những hạn chế còn tồn tại.

  1. Chú trọng, củng cố, nâng cấp các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC/dioxin.

Xác định công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vô cùng cấp bách; vừa lâu dài và là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, phải tạo mọi điều kiện quan tâm hơn nữa đối với việc củng cố, nâng cấp các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân ở từng địa phương cũng như trong phạm vi cả nước. Tùy theo điều kiện có thể, các địa phương chủ động huy động mọi nguồn lực về vật chất (bao gồm cả kinh phí và hiện vật) bằng con đường xã hội hóa để có các thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, luyện tập, phục hồi các chức năng cho người nhiễm CĐDC/dioxin. Địa phương nào chưa có các trung tâm, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đó nhanh chóng dành quỹ đất để xây dựng, phục vụ trực tiếp cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin phải tăng cường công tác kiểm tra, lựa chọn những mô hình điểm để tuyên truyền cho các địa phương học tập và noi theo.

  1.   Chủ động hợp tác quốc tế trong công tác chăm sóc, phục vụ và đấu tranh đòi công lý đến cùng cho các nạn nhân CĐDC/dioxin.
  2.   Phải có chế độ, chính sách cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn trực tiếp chăm sóc, phục vụ nạn nhân CĐDC/dioxin.

       Nỗi đau da cam vẫn còn có và còn dai dẳng không biết đến lúc nào. Do vậy, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần có những biện pháp quyết liệt, với những chế độ, chính sách phù hợp hơn để làm giảm bớt nỗi đau da cam/dioxin trong mỗi gia đình nạn nhân nhiễm CĐHH. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước và Chính phủ ra Qui định về chính sách đặc thù đúng mức đối với cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC/dioxin ở Việt Nam hiện nay.

Khắc phục hậu quả thảm họa da cam – là lương tâm, là trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin – họ là những người yếu thế, là những người nghèo khổ, luôn luôn rất cần sự yêu thương, chia sẻ và quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng và quốc tế./.

Bài viết liên quan

Picture5

Phụ nữ khuyết tật Việt Nam cần tự tin vươn lên và cần có thêm nhiều chương trình tôn vinh

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang