Nỗ lực thay đổi nhận thức về giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, ở những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nữ giới cũng có khả năng “thay đổi thế giới”

Em Phạm Tường Vi (thôn Chi Quan, xã Liên Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) kể, khi em còn nhớ, vào những ngày lễ, Tết hay giỗ chạp, em vẫn nghe thấy một số người nói với bố mẹ rằng: “Sinh hai cô con gái thế này là phải sinh thêm lấy thằng cu nữa cho có nếp, có tẻ”. Hoặc “Hai con gái thì phải sinh thêm con trai để nói dõi tông đường, còn có chỗ nương tựa lúc tuổi già”.

Lúc đó Tường Vi còn nhỏ nên không hiểu lắm và chỉ nghĩ có thêm em bé nữa thì thật vui. Nhưng bố mẹ em đều nói, sinh hai chị em gái là đủ, con nào cũng là con và muốn dồn tình cảm, kinh tế nuôi chị em Tường Vi trưởng thành, tạo cơ hội để hai chị em có một môi trường học tập và phát triển tốt nhất.

“Cháu thấy bố thường động viên mẹ cháu “con trai hay con gái đều được, miễn là chúng hiểu thảo, biết chăm sóc bản thân và hiếu thuận, chăm sóc ông bà, bố mẹ là được””, Tường Vi chia sẻ.

Trong những năm học, hai chị em Tường Vi đều là học sinh giỏi, là những bé gái tự tin. Tường Vi hiểu rằng, những kết quả đó một phần là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, nhưng một phần quan trọng không thể không nói đến là sự chăm sóc, động viên, sát sao của bố mẹ.

“Cháu còn nhớ khi bé, môn toán đối với cháu là môn học vô cùng khó khăn. Thế nhưng, cháu đã được bố mẹ luôn theo sát, giảng giải những bài tập cháu còn chưa hiểu. Nhờ vậy, cháu hứa với bản thân phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ công bố mẹ”, Tường Vi nói.

Phụ nữ người Mường ờ huyện Thạch Thất có thể tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội

Theo Tường Vi, nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Thạch Thất là một huyện nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, toàn huyện có 22 xã và 1 thị trấn phân bố dân cư chia làm 3 vùng: Vùng đồng bằng, vùng đồi gò, vùng miền núi, có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ lệ 5,58%. Tuy nhiên, hiện nay ở huyện Thạch Thất đang có sự chênh lệch về giới tính, với số bé trai được sinh ra nhiều hơn bé gái.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cho biết, hàng năm, huyện Thạch Thất và các xã thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình… Đồng thời lồng ghép tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn huyện.

Song song với các hoạt động đó, công tác kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cung cấp dịch vụ sản khoa, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện cũng được chú trọng và tổ chức thường xuyên để thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về không cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi, không thông báo giới tính dưới mọi hình thức, không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Bằng việc triển khai các giải pháp cụ thể nêu trên, tỷ số giới tính khi sinh của huyện Thạch Thất đã giảm từ 123 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2015 xuống còn 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2022. Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận trong công tác dân số huyện Thạch Thất. Đóng góp vào kết quả chung đó phải kể đến các gia đình tiêu biểu đã vượt qua các định kiến, áp lực trong gia đình, dòng họ.

Nâng cao vị thế trẻ em gái, giảm thiểu mất cân bằng giới

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng.

Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước.

Những thiếu nữ dân tộc Mường ở huyện Ba Vì

Tại buổi gặp mặt biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan học giỏi, ông Vũ Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội khẳng định: Bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn. Thông điệp ý nghĩa này nhằm mục đích kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn…

“Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai”, ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Duy Hưng, hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, đây là một việc làm hết sức nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền thành phố Hà Nội luôn hướng tới, luôn dành những gì tốt đẹp nhất. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…

Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.

Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Theo Laodongthudo.vn

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang