NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Tiếp cận thông tin pháp luật đối với người khuyết tật có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào xã hội; thúc đẩy hòa nhập; phòng tránh rủi ro pháp lý;… Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng tiếp cận pháp luật của người khuyết tật Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức, từ việc thiếu thông tin pháp lý dễ tiếp cận, dịch vụ tư vấn pháp lý còn hạn chế, đến sự chưa thực sự được hòa nhập trong hệ thống pháp lý… Để cải thiện thực trạng này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức của và vì người khuyết tật, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, cá nhân và cả cộng đồng. Đặc biệt là từ chính người khuyết tật và gia đình cùng người giám hộ của họ. Từ đó, đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và bình đẳng với các nguồn thông tin pháp lý và dịch vụ pháp lý, giúp bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người khuyết tật trong xã hội.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chia sẻ chuyên đề tại Hội Nghị Tập huấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật

Một số đánh giá nhu cầu về thông tin pháp luật và mức độ đáp ứng đối với người khuyết tật hiện nay

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến năm 2016, nước ta có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên. Còn theo Bộ LĐTB&XH thì hiện nay Việt Nam có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật. Ngoài ra, một số số liệu tham khảo từ các nghiên cứu, đánh giá cho rằng người khuyết tật Việt Nam có thể chiếm khoảng 10% dân số.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người khuyết tật ngày càng hòa nhập một cách sâu, rộng vào cộng đồng xã hội. Sự tham gia của người khuyết tật trong các hoạt động trở nên dần phổ biến không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả, quyền của người khuyết tật từng bước được thực thi mà còn khẳng định vị thế, vị trí của người khuyết tật trong xã hội. Có thể kể đến như: Người khuyết tật tham gia đa dạng các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như bầu cử, ứng cử, lao động, sản xuất; tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao…. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực hoạt động, người khuyết tật đã để lại rất nhiều ấn tượng, dấu ấn nổi bật trở thành nguồn động lực, truyền cảm hứng cũng như là tấm gương để học hỏi, noi theo. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, góc nhìn, cách tiếp cận đối với lĩnh vực khuyết tật…

Bên cạnh các quyền của mình, người khuyết tật cũng đang từng bước khẳng định việc thực hiện các nghĩa vụ công dân như đóng thuế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội hay tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, địa phương…

Để có được những kết quả đó, trước hết phải nhấn mạnh đến sự đóng góp về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của các cơ quan truyền thông, các kênh tin tức, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp cùng các bộ, ban, ngành; các tổ chức, cá nhân hoạt động hay quan tâm đến lĩnh vực người khuyết tật… Tuy vậy, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật thực tế chủ yếu có phần đang “bó hẹp” trong việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, hay các chương trình đề án trợ giúp người khuyết tật chứ chưa tuyên truyền, phổ biến nhiều đến các quy định chính sách, pháp luật khác. Thậm chí, có không ít người khuyết tật rất hiểu, gần như “thuộc lòng” Công ước, Luật Người khuyết tật cùng các chính sách liên quan nhưng các vấn đề khác thì còn rất hạn chế.

Mặc dù chưa có nhiều các nghiên cứu nhất là những nghiên cứu trên diện rộng, mang tính chất phổ quát đánh giá về nhu cầu thông tin trong đó bao gồm thông tin pháp luật cũng như mức độ đáp ứng thông tin này đối với người khuyết tật, nhưng qua các số liệu có được cùng trên thực tế triển khai các hoạt động trong nội dung này, nhận thấy nhu cầu của người khuyết tật là rất lớn trong khi mức độ đáp ứng chưa đảm bảo theo nhu cầu. Cụ thể:

Cũng giống như người không khuyết, với sự hòa nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội, người khuyết tật cũng ngày càng quan tâm đến tiếp cận thông tin trong đó bao gồm cả những thông tin pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bản thân thay vì chỉ “bó hẹp” trong một số nội dung về quyền của người khuyết tật như trước đây (chủ yếu quan tâm đến hỗ trợ, bảo trợ, tiếp cận giao thông, công trình…). Bởi, người khuyết tật hiện nay cũng chính là chủ thể trong các vấn đề pháp lý như hôn nhân, gia đình; kinh doanh, thương mại; thừa kế và đa dạng các hoạt động khác…. Có thể kể đến một số nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của người khuyết tật như: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng; hiểu rõ nghĩa vụ của công dân nhất là trong việc tham gia hoạt động xã hội; tiếp cận trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; được nâng cao nhận thưc pháp luật; tham gia các các hoạt động khác như góp ý xây dựng, phản biện chính sách….

Cùng với đó là nhận thức, năng lực của người khuyết tật ngày càng được nâng cao cùng với quá trình vận động và phát triển của xã hội. Do đó, việc chủ động động nghiên cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật để vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời cũng từng bước thực hiện nghĩa vụ của một công dân bình đẳng trong xã hội cũng được đông đảo người khuyết tật quan tâm, thực hiện nhất là thế hệ trẻ.

Trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của người khuyết tật là tương đối lớn thì mức độ đáp ứng có lẽ chưa theo kịp nhu cầu bởi các một số nguyên nhân sau:

Trước hết, đó là vấn đề nhận thức của nhiều người khuyết tật có những hạn chế nhất định khi tiếp cận thông tin pháp luật dẫn đến chưa hiểu rõ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân; chưa hiểu đúng bản chất của pháp luật hay chỉ hiểu ở nghĩa hẹp, một phần nhỏ thay vì hiểu một cách toàn diện, đầy đủ bản chất.

Thứ hai, người khuyết tật yếu và thiếu kỹ năng tra cứu để có thể tiếp cận nguồn tài liệu cần thiết trong khi thông tin về pháp luật tương đối phức tạp và đòi hỏi trình độ, kỹ năng, chọn lọc tra cứu nhất định. Vấn đề này cũng có thể xuất phát từ những hạn chế do tình trạng khuyết tật gây ra.

Thứ ba, mặc dù hiện nay đã có rất nhiều kênh cung cấp tài liệu pháp luật để người khuyết tật có thể tiếp cận, nhưng trên thực tế số lượng và chất lượng các tài liệu này còn rất hạn chế như thiếu tài liệu chữ nổi hay tài liệu âm thanh cho người khiếm thị, các tài liệu dễ tiếp cận cho người khiếm thính (hình họa, video ngôn ngữ ký hiệu….). Nguyên do là nhiều người khuyết tật khó tiếp cận với công nghệ do thiếu trang thiết bị hay gặp các vấn đề liên quan đến đọc tài liệu trên không gian mạng; thiếu kênh truyền tải thông tin dễ tiếp cận như radio, phát thanh, tài liệu in hay những sự hỗ trợ phù hợp với người khuyết tật.

Thứ tư, thiếu kênh thông tin pháp luật phù hợp với người khuyết tật. Nghĩa là một kênh thông tin pháp luật đảm bảo tiếp cận và ở đó, người khuyết tật có thể thuận tiện tìm kiếm các nội dung cần thiết thay vì tìm kiếm dàn trải và phải mất quá trình chọn lọc trên không gian mạng. Đồng thời, thiếu thông tin tinh giản, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu các thông tin pháp luật để người khuyết tật thuận lợi tiếp cận.

Thứ năm, ít chính sách hỗ trợ và các chương trình cụ thể, thường xuyên để người khuyết tật có thể tiếp cận thông tin pháp luật một cách hiệu quả và thiết thực với nhu cầu.

Thứ sáu, khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ pháp lý như trung tâm trợ giúp pháp lý do thiếu hiểu biết, tâm lý e ngại, khoảng cách, các vấn đề tiếp cận…

Thứ bảy, việc tuyên truyền cũng mới chỉ được thực hiện một cách “rời rạc” chứ chưa thực sự được hệ thống bài bản cũng như có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giúp người khuyết tật hiểu biết rõ hơn về pháp luật cũng như vận dụng vào cuộc sống của bản thân.

Thứ tám, người thân, người giám hộ, gia đình và cộng đồng cũng như một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm một cách đầy đủ hoặc chưa hiểu rõ hết bản chất của vấn đề này. Thậm chí, có quan điểm “xa rời”, xem nhẹ tầm quan trọng của việc thông tin, phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Gia Cương, Trưởng ban Truyền thông Liên hiệp hội chia sẻ chuyên đề tại Hội Nghị Tập huấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật

Một số giải pháp nâng cao công tác hỗ trợ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật

  1. Đề cao vai trò, tầm quan trọng của phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Nhìn từ thực tế, chúng ta thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật là vô cùng lớn và mang tính cấp thiết. Bởi nó góp phần Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thúc đẩy hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững.

Đồng thời, việc phổ biến kiến thức pháp luật còn giúp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp bởi người khuyết tật cũng gặp phải những vấn đề tranh chấp như bất kỳ ai khác, từ vấn đề tài sản, hợp đồng, đến các vấn đề cá nhân khác. Hiểu biết về pháp luật giúp họ biết cách phòng ngừa và giải quyết những tranh chấp này một cách hợp lý, bảo vệ quyền của mình và tránh những rủi ro pháp lý.

Một xã hội mà mọi người đều hiểu biết và tôn trọng pháp luật sẽ là một xã hội bình đẳng và hòa nhập. Nó không chỉ giúp người khuyết tật cảm thấy được tôn trọng và được coi là thành viên chính thức của cộng đồng mà điều này còn tạo điều kiện để người khuyết tật phát triển và hòa nhập một cách toàn diện. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng cộng đồng đoàn kết, hòa nhập và bình đẳng, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù cũng đã có sự tham gia tương đối tích cực của đa dạng từ các cấp các ngành đến các tổ chức, cá nhân nhưng việc đề cao vai trò, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi, chỉ khi mọi người cùng nhận thức được điều đó thì việc thực hiện mới thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Chính vì vậy, việc xem trọng công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đối với người khuyết tật cũng như cộng đồng là điều vô cùng quan trong và hết sức cấp thiết trong điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay. Và khi đề cao công tác này không chỉ thúc đẩy sự thực hiện nghiêm túc cũng như có nhiều giải pháp cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội đặc biệt là kích thức sự chủ động tìm hiểu của người khuyết tật, người giám hộ và gia đình người khuyết tật.

Và để thực hiện tốt công tác này cũng cần nêu cao cũng như thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng cũng như các quy định, chính sách của Nhà nước. Đồng thời có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để răn đe; cũng như thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách liên quan đến công tác này.

  1. Cần mở rộng phạm vi, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật.

Từ quy định của pháp luật đến thực tiễn cuộc sống như đã phân tích ở trên, người khuyết tật cần và phải được nâng cao năng lực, nhận thức pháp luật nhiều hơn để việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân của người khuyết tật được đầy đủ nhất là chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Và song song với công tác này cũng cần tăng cường việc phổ biến đối với người thân, người giám hộ của người khuyết tật (trẻ em, người khuyết tật trí tuệ, thần kinh tâm thần…) cũng như cộng đồng một cách toàn diện đặc biệt là đối với những vấn đề thường gặp và nảy sinh trong cuộc sống thường ngày.

  1. Tăng cường khả năng tiếp cận tài liệu pháp luật

Trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi phải có những giải pháp để thúc đẩy, tăng cường các hoạt động cũng như nâng cao chất lượng hiệu quả của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật. Để làm được điều đó, có lẽ cần phải đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật, đảm bảo việc tiếp cận thuận lợi với tài liệu pháp luật như: Sách nói; video phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; xây dựng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật; file âm thanh; tờ gấp; tài liệu được tinh gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ đọc, có tình huống pháp lý cụ thể, thường gặp; thiết kế trang thông tin chuyên biệt về pháp luật cho người khuyết tật; nâng cấp hệ thống trang thông tin điện tử của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đảm bảo tiếp cận cho đa dạng khuyết tật như nhìn, vận động, đa dạng tật, nghe nói;…

  1. Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về pháp luật dành riêng cho NKT, lồng ghép các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các chương trình, sự kiện, tại các địa điểm tổ chức các chương trình đảm bảo sự phù hợp và thúc đẩy sự tham gia của đông đảo đối tượng trong xã hội trong đó có người khuyết tật.
  2. Sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông như các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng mạng xã hội. Đây là một kênh vô cùng hiệu quả, ít chi phí, dễ tiếp cận với đa dạng các loại hình phù hợp với các dạng khuyết tật, ít bị hạn chế bởi thời gian, không gian. Tuy nhiên để làm tốt việc này cần có chương trình, kế hoạch và đảm bảo việc hoạt động hiệu quả tránh những “tác dụng ngược” do việc thiếu kiểm soát nhất là thông qua các nền tảng mạng xã hội phải đảm bảo rất thận trọng.
  3. Đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia với kiến thức sâu rộng về các quyền và nghĩa vụ của NKT, đồng thời có hiểu biết về nhu cầu đặc biệt của họ, kinh nghiệm làm việc với đa dạng NKT bên cạnh việc có kiến thức về pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật
  4. Tăng cường hợp tác và hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội nhất là các tổ chức của người khuyết tật cũng như hợp tác quốc tế. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu khi nguồn lực nhất là tài chính và nhân lực của các cơ quan chức năng là hữu hạn. Cùng với đó là sự hiểu biết, nắm bắt tâm lý, thuận lợi cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyết tật và pháp luật. Tuy nhiên, đối với công tác này cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với việc tổ chức các hoạt động và được giám sát chặt chẽ nhưng không nên quá khắt khe, hạn chế và nên có những cơ chế phù hợp để thúc đẩy tăng cường sự tham gia của các tổ chức này trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật…
  5. Tăng cường truyền thông và giáo dục cộng đồng: Đây là giải pháp hữu hiệu để “đảm bảo” người khuyết tật thuận lợi tiếp cận thông tin pháp luật phù hợp, nhanh chóng khi cả cộng đồng nhận thức được vai trò của việc phổ biến, giáo dục pháp luật
  6. Bố trí nguồn lực tài chính: Một trong những giải pháp quan trọng, then chốt bên cạnh nguồn lực nhân sự đảm bảo hiệu quả của công tác.
  7. Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quá trình pháp lý: Một “tuyên ngôn” quan trọng của người khuyết tật đó chính là không cái gì là của chúng tôi mà thiếu chúng tôi. Chính vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quá trình pháp lý như xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hay công tác giám sát, thực thi chính sách, pháp luật là điều cần thiết. Bởi chính người khuyết tật hiểu họ muốn gì, cần gì và làm gì để đảm bảo các quyền cơ bản cũng như việc thực hiện nghĩa vụ công dân, nhất là khi người khuyết tật Việt Nam ngày càng được nâng cao năng lực, nhận thức, có trình độ, chuyên môn trong nhiều lĩnh vực từ thụ hưởng các chính sách cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm qua.
  8. Khảo sát nhu cầu của người khuyết tật: Được thực hiện trước khi tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật có định hướng cụ thể liên quan đến nhu cầu thực tế của người khuyết tật.

Tạm kết:

Có thể thấy, Nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của NKT rất đa dạng và đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều phía, bao gồm chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng. Việc đáp ứng các nhu cầu này không chỉ giúp NKT hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.

Để làm được điều đó, các phương thức tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng như các giải pháp cần được đa dạng hóa và phù hợp với từng loại khuyết tật, đặc trưng vùng miền, địa phương nhất là các chương trình cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả. Việc kết hợp nhiều phương thức khác nhau, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và sự tham gia tích cực của cộng đồng, sẽ giúp NKT tiếp cận thông tin pháp luật một cách toàn diện và dễ dàng hơn.

Bài viết liên quan

Picture1

Xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh để hỗ trợ Người khuyết tật

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang