Em Kỳ Mỹ chúc mừng cô Tuyết khi cô nhận Giải thưởng Võ Trường Toản. |
Chỉ có một cánh tay, nhưng cô Võ Thị Tuyết – Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (TPHCM) hơn 26 năm qua vẫn bế ẵm, chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật.
Bước chuyển, bước ngoặt…
Cô Tuyết sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Củ Chi (TPHCM). Khi mới sinh ra, cô cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên năm 1 tuổi, trong một lần bị trúng bom đạn chiến tranh, cô không may bị mất cánh tay phải. Tuy phải vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống nhưng ước mong cháy bỏng được trở thành một giáo viên từ ngày bé đã tiếp thêm động lực để cô Tuyết phấn đấu học tập và thi đậu vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Năm 1989, tốt nghiệp ngành Ngữ văn, cô Tuyết về dạy ở một cô nhi viện tại tỉnh Đồng Nai. 4 năm sau đó cô lập gia đình. Thế rồi trong lúc nghỉ sinh con, cô tình cờ đọc được một bài báo viết về những khó khăn của trẻ khuyết tật trí tuệ và nỗi lòng của phụ huynh. Đồng cảm với những người đồng cảnh ngộ, cô nghĩ mình có thể thấu hiểu người khác và làm tốt được công việc này nên sau một thời gian suy nghĩ cô đã mạnh dạn xin chuyển công tác từ giáo viên môn Văn về dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật.
Cô Tuyết chia sẻ, là giáo viên dạy Ngữ văn, khi mới chuyển sang dạy trẻ khuyết tật cô cũng khá bỡ ngỡ vì chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn. Cùng với đó là cơ thể khiếm khuyết cũng khiến cô gặp không ít khó khăn mỗi khi bồng, bế các bé. Vì vậy, cô đã học thêm văn bằng hai ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM và tham gia nhiều khóa học về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập, các chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm lý trị liệu.
Dù chỉ có một tay, nhưng cô Tuyết vẫn làm tốt các công việc như sắp xếp đồ chơi, các dụng cụ dạy học cho trẻ hay bồng bế học sinh. Cô Tuyết cho biết, công việc của cô là can thiệp sớm cho trẻ từ 0 – 4 tuổi và can thiệp 1 – 1, nghĩa là một cô giáo và một học trò cùng với một phụ huynh. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không bé nào giống bé nào. Mỗi bé đều có khó khăn riêng cho nên giáo viên phải hiểu được trẻ muốn gì và cần gì, bởi những đứa trẻ này không nói bằng ngôn ngữ thông thường mà thể hiện qua hành động.
“Ngay từ đầu tôi xác định, để đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ, giáo viên phải có phương pháp chuyên môn, tình yêu thương và đặc biệt là rất nhiều sự kiên nhẫn. Mỗi tiến bộ nhỏ của trẻ cũng là động lực để tôi thêm gắn bó với nghề”, cô Tuyết tâm sự.
Cũng theo cô Võ Thị Tuyết, khó khăn lớn nhất của giáo viên dạy trẻ khuyết tật hiện nay đó là làm sao để phụ huynh chấp nhận việc con mình bị khuyết tật và đồng hành với giáo viên trong việc dạy dỗ trẻ. Nếu phụ huynh đồng hành, phối hợp tốt với giáo viên sẽ giúp trẻ mau chóng tiến bộ. Nhận thức rõ điều này, cô Tuyết đã đem sự chân thành, lòng nhiệt tình để mở cánh cửa trở ngại về mặt tâm lý của phụ huynh. Sau mỗi giờ học cô đều dành 15 phút để trò chuyện, chia sẻ với phụ huynh.
Cô Tuyết soạn giáo án, theo dõi hành trình tiến bộ của học sinh. |
Hạnh phúc của người chèo đò
Ông Phan Hùng Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật cho biết: “Trong quá trình công tác, cô Tuyết đã đóng góp rất nhiều cho trung tâm, nhất là với mảng chương trình can thiệp sớm dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Cô đã có nhiều sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm và bồi dưỡng cho phụ huynh cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập với gia đình, cộng đồng”.
Chia sẻ về hành trình dạy dỗ những học trò đặc biệt của mình, cô Tuyết cho biết cô không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành, yêu thương của chồng và hai người con. Con gái lớn của cô cũng đang làm kỹ thuật viên tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật. “Tôi rất biết ơn chồng và hai đứa con mình. Con gái tôi đã cho tôi thêm một cánh tay vì con thương mẹ và hiểu được công việc của mẹ. Để có được như ngày hôm nay thì phần đóng góp của chồng con tôi ở trong đó rất nhiều”, cô Tuyết tâm sự.
Trong suốt những năm tháng gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cô Tuyết luôn nhiệt huyết, tận tâm trong công việc và hơn hết là dành cho trẻ tình yêu thương. Cô luôn hiểu và đồng cảm được nỗi đau của phụ huynh có con bị khuyết tật khi họ tìm đến nhờ cậy mình.
Cô Tuyết xúc động chia sẻ: “Có những hôm cả phụ huynh và trẻ rất vui và phụ huynh nói với cô rằng: “Cô ơi, nay cháu nhận biết được em rồi đó, con biết mẹ rồi đó cô. Cháu chỉ được mẹ rồi cô, em mừng quá”. Lúc đó, tôi cũng vui lây vì phương pháp can thiệp đã có hiệu quả, trẻ chuyển biến tích cực. Đặc biệt, suốt những năm qua, điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi khi phụ huynh đưa con về thăm. Các con miêu tả cô đã thay đổi thế nào, như trước đây cô có tóc dài nay đã thành tóc ngắn, có khi gọi mình là má Tuyết. Tôi hiểu các con nhớ và thương mình”.
Dịp 20/11 năm nay, cô Tuyết vinh dự là 1 trong 50 nhà giáo được Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản – giải thưởng tôn vinh những người làm trong ngành Giáo dục có nhiều cống hiến và mỗi cá nhân chỉ được trao tặng giải thưởng này một lần.
Cô Tuyết xúc động bộc bạch: “Thực sự khi biết tin được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản tôi mừng lắm, bởi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa tôi sẽ nhận được quyết định nghỉ hưu. Giải thưởng là sự ghi nhận của lãnh đạo về những đóng góp của tôi trong suốt hành trình công tác. Tôi luôn tâm niệm, dù khi mình đã về hưu, nhưng khi còn sức khỏe thì vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với trẻ khuyết tật, với nghề giáo, nghề mà tôi trân quý nhất”.
Tại buổi trao Giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày 17/11 vừa qua, em Kỳ Mỹ, học sinh Trường THCS Phú Thọ (Quận 11) cho biết: “Sau khi biết được những câu chuyện về cô Tuyết, em đã rất xúc động. Dù không phải là học trò của cô nhưng em ngưỡng mộ, cảm phục vô cùng tấm lòng của cô đối với các em khuyết tật. Vì vậy tại buổi trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 em đã đến chúc mừng cô và xin chụp cùng cô tấm ảnh để làm kỷ niệm”.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại