(ĐHVO). Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18 tháng 4), Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET – một tổ chức thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) đã tổ chức cho toàn bộ các bộ, công nhân viên là các đối tượng dễ bị tổn thương đi thăm quan du lịch tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Tham dự với 14 cán bộ, công nhân là nhóm dễ bị tổn thương tại Doanh nghiệp SAFEVIET, có ông Hoàng Vũ – Giám đốc SAFEVIET, ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo huyện Đông Anh (là nơi tạm thời đặt phân xưởng lao động của người khuyết tật). Đặc biệt, còn có sự tham dự và chung vui của hoa khôi “Vầng trăng khuyết” Bế Thị Băng và ông Trần Quốc Nam hay còn được biết đến với tên gọi “Nam đi nghiêng” – Quản trị viên của Diễn đàn “Tiếng nói người khuyết tật Việt Nam -VSDF”
Ông Hoàng Vũ- Giám đốc SAFEVIET phát biểu tại chương trình
Phát biểu động viên tại Chương trình, ông Hoàng Vũ – Giám đốc SAFEVIET cho biết: Hiện tại doanh nghiệp SAFEVIET tiếp nhận và đào tạo 36 người trong đó 33 lao động là người khuyết tật, còn lại là người thuộc diện yếu thế và luôn mở rộng cánh cửa tuyển dụng thêm các lao động là người khuyết tật có nhu cầu làm việc tại SAFEVIET thông qua các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh thiếu niên Hà Nội tổ chức.
Người lao động khi được tiếp nhận vào doanh nghiệp được ưu đãi hưởng toàn bộ chi phí đào tạo, ăn ở trong quá trình học, sau khi đào tạo có nguyện vọng làm việc tại doanh nghiệp đều được hưởng lương do các thành viên của Công ty đóng góp chi trả. Các học viên khi làm ra sản phẩm đều được tính lương tùy thuộc vào sức khỏe và tay nghề với ưu đãi bằng 130% lao động không khuyết tật.
SAFEVIET không mong muốn là mái ấm từ thiện, mà là điểm tựa để người khuyết tật, người dễ tổn thương được minh chứng với xã hội về khả năng và tay nghề bình đẳng của mình như mọi công dân khác trong xã hội – Ông Vũ nhấn mạnh thêm.
Còn theo ông Trần Quốc Nam – Quản trị VSDF: “Lao động là người khuyết tật thường có tâm lý làm việc khác với những lao động phổ thông, do đặc thù sự tổn thương lâu dài về tinh thần, thể chất của họ. Với người khuyết tật có được việc làm đã là niềm vui lớn, nhưng để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì rất cần có môi trường tiếp cận, thái độ quả lý thân thiện và thấu cảm nên những hoạt động ngoại khoá như SAFEVIET đang làm hôm nay là hết sức ý nghĩa”.
Hoa khôi Vầng trăng khuyết- Bế Thị Băng giao lưu với các công nhân
Trong phần giao lưu với hoa khôi “Vầng trăng khuyết” Bế Thị Băng, các anh chị công nhân đã được tiếp thêm động lực và nguồn cảm hứng từ chính câu chuyện cuộc đời của Băng.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng, Băng cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, được vui chơi, chạy nhảy và được đi học. Sau tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên, Băng đi làm thẩm mỹ nha khoa với thu nhập khá ổn định tại Hà Nội. Cuộc sống đang vui vẻ thì bỗng một ngày, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến đã cướp đi của Băng một bên chân khi mới tròn 24 tuổi.
Nhưng hiểu mình phải sống tiếp, dù chỉ đứng trên một bên chân”, Băng chia sẻ: “Cuộc sống có những điều bất ngờ đến mà mình không thể học hay được biết trước. Nhưng rồi mọi nỗi đau cũng đã qua. Tôi đã tự động viên bản thân mình rằng, điều quan trọng là vẫn còn được sống – đó là một hạnh phúc và ngày mai, ngày mai nữa, tôi vẫn còn phải sống tiếp để bước qua nhiều thử thách. Tôi quyết tâm sống như một người lành lặn”.
Sau tai nạn giao thông, Băng bắt đầu học múa Ba Tư (Persian Dance). Chính vì vậy, trong đêm thi tài năng “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” giữa các thí sinh khiếm khuyết đầy xinh đẹp và tài năng khác, thì màn múa của Băng đã gây được ấn tượng với Ban Tổ chức. Hiện nay, Băng đang làm Đại sứ Chương trình Mottainai vì trẻ em.
Thay mặt cho toàn bộ lao động là đối tượng dễ bị tổn thương tại Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET, anh Phạm Ngọc Định (Sinh năm1989) xúc động chia sẻ: “Năm 18 tuổi tôi bị viêm tuỷ cấp, di chứng để lại rất nặng nề, đi lại vô cùng khó khăn. Tôi cứ nghĩ đời mình thế là bỏ đi, với mặc cảm chán đời vô cùng, rồi tôi được SAFEVIET dang rộng vòng tay đón nhận. Từ khi được nhận vào làm việc tại SAFEVIET, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi thể hiện được là người vẫn còn có ích cho gia đình và xã hội. SAFEVIET đã tạo được cho tôi công việc phù hợp với sức khoẻ, để tạo thu nhập ổn định cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Ở xưởng sản xuất, cùng làm việc với tôi là những anh chị khuyết tật khác, được các cán bộ trong Công ty quan tâm, hỗ trợ, chính vì thế chúng tôi xin hứa sẽ luôn nhắc nhở, bảo ban nhau cần đoàn kết, gắn bó hơn nữa để lao động không thua kém gì những công nhân không khiếm khuyết. Thay mặt cho các anh chị lao động là người khuyết tật, tôi rất cám ơn anh Vũ đã dành sự quan tâm cho chúng tôi, cám ơn Doang nghiệp SAFE VIET đã cho chúng tôi một ngày người khuyết tật Việt Nam rất vui và ấn tượng”.
Một ngày thăm quan, giao lưu học hỏi trôi qua thật nhanh, nhưng ấn tượng với những người công nhân lao động tại Doanh nghiệp SAFEVIET thì còn đọng lại mãi, với họ “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Nhật Nam