(ĐHVO). Ngày 19/11, tại Hà Nội, gần 80 đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm quốc tế hay trong việc huy động sự tham gia của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực giới và huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân tại Việt Nam. Sự kiện do Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet), Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam thực hiện, trong khuôn khổ Chương trình chung xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025 của UN Women, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với chính phủ Việt Nam.
Các thành viên diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững – VNMenNet
Chiến dịch TÔ CAM (Orange World) do Liên hiệp quốc khởi xướng, kéo dài 16 ngày, từ Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (Ngày 25 tháng 11 hằng năm) đến Ngày Nhân quyền (Ngày 10 tháng 12 hàng năm) với lời kêu gọi “Hãy biến thế giới thành màu cam: Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Phụ nữ, trẻ em là những đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ, bảo vệ trước vấn nạn bạo lực, bị xâm hại, đặc biệt với những phụ nữ khuyết tật, nguy cơ bị xâm hại còn cao hơn do họ thiếu khả năng tự phòng vệ bởi những khiếm khuyết bản thân.
Cả nước ta hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ước tính: Người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp ba lần so với người không khuyết tật, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp ba lần so nam giới khuyết tật. Ðây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản.
Hoa hậu “Vằng trăng khuyết” Bế Thị Băng khách mời của chương trình xúc động chia sẻ: “Là một phụ nữ lại là phụ nữ khuyết tật, lại là người dân tộc, tôi luôn là nạn nhân của việc miệt thị ngoại hình, kỳ thị bản sắc khi có những bình luận ác ý rằng “Có một chân mà còn mặc váy ngắn”, “Có một chân mà còn thích múa”, thậm chí còn có lời mai mỉa “Con tông giật ý mà..” Nhưng tôi không khóc, tôi gạt đi đàm tiếu để minh chứng rằng là phụ nữ cho dù có mang khiếm khuyết thì họ vẫn có quyền được làm đẹp, có quyền theo đuổi ước mơ.”
Lực sỹ vô địch thế giới Lê Văn Công nhấn mạnh “Là nam nhi dù có khuyết tật, chỉ cần bạn hiểu biết và quyết tâm, bạn sẽ có sức mạnh riêng để ngăn chặn, phòng ngừa và góp phần chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bắt đầu từ việc bảo vệ, bênh vực mẹ, chị, vợ và những người phụ nữ đồng cảnh.”
Ông Trần Quốc Nam – Thành viên diễn đàn VNMenNet cho biết “Các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ, đặc biệt là bạo lực tình dục. Nghiên cứu thực tế của Viện nghiên cứu hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 04 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục.
Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi. Trong đó có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%. Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Thông thường, hậu quả với nạn nhân sẽ trở nên rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của họ.”
Việc Liên hiệp quốc kêu gọi “16 ngày tô cam” toàn thế giới không chỉ là lời kêu gọi chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái mà còn giúp cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật hiểu biết hơn và thêm sự tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới một môi trường an toàn, lành mạnh hơn cho mọi phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt là xã hội cần dành hơn sự quan tâm và bảo vệ đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Nhật Nam – VSDF