Nam Định sắp xếp sáp nhập tạo sức hút đối với các nhà đầu tư
Bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước
Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.
Chính vì vậy, mặc dù là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp, sáp nhập lớn, đứng thứ 06 toàn quốc với 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 77 đơn vị hành chính cấp xã phường, thị trấn, nhưng chỉ trong vòng 03 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023) tất cả UBND các huyện, thành phố trong tỉnh Nam Định đã hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh Nam Định cũng là một trong 06 tỉnh của cả nước được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là địa phương đã thực hiện tốt việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định cho biết: Với sự quyết tâm, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước, tỉnh Nam đã thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023–2025, góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đồng thời mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh, để Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Tạo không gian mới để phát triển
Cũng theo ông Phạm Gia Túc:Trong thời gian tới tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết tốt chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư; quản lý an toàn tài liệu; sử dụng hợp lý, hiệu quả cơ sở vật chất sau sáp nhập; quan tâm làm tốt công tác cán bộ cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Đặc biệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các địa phương mới sáp nhập, phục vụ tốt hơn việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo không gian phát triển mới từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong thời kỳ mới.
Về trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, đối với TP. Nam Định, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để sử dụng hiệu quả. Trụ sở tổ chức Đảng, UBND và HĐND, tổ chức chính trị – xã hội dự kiến được đặt tại các trụ sở hiện đang sử dụng; trụ sở các đơn vị sự nghiệp giữ nguyên cơ sở hạ tầng hiện đang sử dụng để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh; việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân… Đối với trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
Đối với trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc 01 trụ sở cho Đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã mới; 01 trụ sở cho Công an cấp xã mới; 01 trụ sở cho Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã mới; trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục và y tế) trên địa bàn cấp xã giữ nguyên như hiện trạng đang sử dụng. Trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về kết quả, tác dụng của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đến các tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, làm cơ sở cho việc triển khai ở giai đoạn 2026-2030. Các đơn vị sau sắp xếp tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, công việc để tất cả các cơ quan, đơn vị hoạt động đồng bộ, hiệu quả, tạo thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả, điều chuyển tài sản, trụ sở các đơn vị, không được để hoang hóa, xuống cấp tài sản, trụ sở.
Bên cạnh đó là rà soát các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách để điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với tên gọi ĐVHC mới. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định, gắn với việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 và Đề án số hóa hộ tịch đã được phê duyệt.
“Với sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nam Định sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; giữ vững và duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, toàn diện, bền vững; sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm Nam Định: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Trần Hồng