(ĐHVO). “Đồng hành với doanh nghiệp, cùng hướng tới thành công” là thông điệp được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chia sẻ tại hội nghị công bố quyết định quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự hội nghị
Chiều 06/3 tại nhà văn hóa 3/2 thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại sứ đại diện cho các nước, cùng lãnh đạo đại diện cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là sự kiện quan trọng, là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, hợp tác đầu tư và kinh doanh trên các lĩnh vực mà tỉnh Nam Định ưu tiên thu hút đầu tư, là cơ hội để tỉnh Nam Định tăng cường hoạt động đối ngoại, tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh Nam Định đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà “thứ hai bên trái” trao quyết định quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo quyết định, sẽ thực hiện quy hoạch toàn bộ 1.668,8 km2 diện tích tự nhiên hiện có của tỉnh Nam Định với 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố (thành phố Nam Định) và 09 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu) cùng phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, là tỉnh phát triển khá của cả nước và là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt khoảng 9,5%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 tỉnh Nam Định sẽ có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45-50%. Trong đó, Thành phố Nam Định sẽ là đô thị loại I sau khi thực hiện sáp nhập toàn bộ địa giới chính của huyện Mỹ Lộc vào Thành phố Nam Định; 09 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V; thành lập mới thêm 10 đô thị; xây dựng phát triển, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thành phố Nam Định, là đô thị loại I thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh Nam Định và định hướng phát triển thành trung tâm của vùng nam đồng bằng sông Hồng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến năm 2030, tỉnh Nam Định có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 35% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu có 03 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%. Các hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định được tổ chức theo mô hình “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế”, qua đó thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cho biết, nhằm đưa Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, việc sớm hoàn thiện các quy hoạch để có thể phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh là một yếu tố rất quan trọng và tiên quyết, làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện việc đầu tư, xây dựng… Xác định nhiệm vụ trọng tâm đó, ngay khi nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Cho đến nay, sau thời gian thực hiện và được cấp ngành thông qua, quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tỉnh Nam Định sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các quy định liên quan, quyết tâm xây dựng và phát triển thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện trên mọi lĩnh vực đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư. Với phương châm “Đồng hành với doanh nghiệp, cùng hướng tới thành công”, tỉnh Nam Định cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Nam Định; sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh theo kế hoạch đã đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ chính quyền tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Nam Định cần bám sát quy hoạch, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình mục tiêu kế hoạch đã đề ra, triển khai các dự án đầu tư và mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh, tuần hoàn, thu hút hiệu quả nguồn nhân lực và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng, để Nam Định phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, tỉnh cần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế vốn có của mình, tỉnh cần có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe để tạo nên sức hút hấp dẫn cho doanh nghiệp và người lao động trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quá trình triển khai quy hoạch sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt người dân. Do đó, tỉnh Nam Định cần thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân có nơi tái định cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân…. Người dân địa phương phải được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, có sinh kế bền vững, được tận hưởng những giá trị, chất lượng cuộc sống mà quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mang lại.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhìn nhận, việc quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà Đảng bộ, Chính quyền quân dân trong tỉnh đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư. Đây cũng được cho là sự kiện quan trọng, là dịp tỉnh Nam Định giới thiệu tiềm năng, lợi thế của mình trước các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc quy hoạch được phê duyệt với tầm nhìn đột phá, cách tiếp cận ở tầm quốc tế là công việc đầy thách thức và để thực hiện hiệu quả kế hoạch đó đòi hỏi không chỉ có sự quan tâm của hệ thống Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, người dân địa phương, mà còn là sự quan tâm hỗ trợ của các các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành liên quan, các chuyên gia, Nhà khoa học, Nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Nam Định mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, các đối tác, doanh nghiệp cùng người dân trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc “thứ tư bên phải” cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị (ở giữa) trao quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư cho 07 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 420 triệu USD.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ký kết bản ghi nhớ với 09 nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái,… đây đều là những dự án quan trọng, có số vốn đầu tư lớn và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trần Hồng