Đó là ý kiến của ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Bảo trợ xã hội tổ chức ngày 27/12/2023.
Trong năm 2023, Cục Bảo trợ xã hội đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra trên các lĩnh vực phụ trách
Tham dự có Đồng chí Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, các Phó Cục trưởng: Nguyễn Ngọc Toản, Phạm Thị Hải Hà, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục. Ngoài ra, còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ, hội.
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, trong năm 2023, Cục đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chính sách của Trung ương, của Lãnh đạo Bộ, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Theo báo cáo của địa phương, đến nay, các chỉ tiêu lĩnh vực bảo trợ xã hội được Bộ LĐ-TB&XH giao đã được hoàn thành, bao gồm: 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai. Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Đồng chí Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội nghị
Đặc biệt, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu với Bộ trình Chính phủ Nghị định công tác xã hội; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu xây dựng báo cáo xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; đề cương Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; đánh giá một số nội dung Luật Người khuyết tật; nghiên cứu, đề xuất Luật Trợ giúp xã hội…
Thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, Cục đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Tổ chức kiểm tra công tác cứu trợ dân sinh, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân sau thiên tai, thăm hỏi, động viên đối tượng khó khăn tại 18 địa phương.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả đạt được trong năm 2023 và một số nhiệm vụ trong năm 2024
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 21.567,345 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 20 tỉnh để hỗ trợ cho 256.847 lượt hộ với 1.437.823 lượt nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, giảm 2.762,34 tấn gạo so với năm 2022.
Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Việc cấp phát gạo được triển khai kịp thời, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu lương thực trong dịp Tết và sau thiên tai.
Đối với chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đến nay cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,35% dân số) và 349 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.
Hiện 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (trong đó mức chuẩn thấp nhất là 380.000 đồng ở Hà Giang, mức chuẩn cao nhất là 500.000 đồng ở Hải Phòng); 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng khó khăn khác chưa quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.
Đại diện một số đơn vị tham gia chia sẻ ý kiến tại Hội nghị
Công tác chi trả chính sách được thực hiện thông qua tổ chức dịch vụ chi trả ở 61/63 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo tổng số đối tượng đã có tài khoản là 603.077 người (chiếm 16,21% tổng số đối tượng); 246.108 đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản (chiếm 40,81% tổng số đối tượng có tài khoản). Tổng số kinh phí chi trả qua tài khoản từ tháng 01 đến nay là hơn 276,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật; phát triển công tác xã hội và quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội… Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách và xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội khẳng định, tinh thần chủ đạo trong năm 2024 của Cục là phải đổi mới, sáng tạo để nghiên cứu, đề xuất những chính sách mới, giải quyết những vấn đề mới, tạo dư địa phát triển như: mở rộng khái niệm bảo trợ xã hội và lĩnh vực bảo trợ xã hội trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tiệm cận theo chuẩn mực quốc tế. Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thể chế, cụ thể là: Nghiên cứu, hoàn thiện Đề cương Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; Đề cương Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật. Đây là hai Luật rất căn bản, có tác động lớn đến người dân. Đồng thời đề xuất xây dựng Luật Trợ giúp xã hội.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định về Sàn an sinh xã hội quốc gia và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số giám sát an sinh xã hội quốc gia.
Xây dựng và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Trình Bộ trưởng ban hành Thông tư quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Đôn đốc, hỗ trợ địa phương thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực trợ giúp xã hội trên phần mềm của Bộ và phần mềm dịch vụ công liên thông của Chính phủ; cập nhật bổ sung thường xuyên cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực định danh điện tử./.
Hồng Phượng
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội