Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Một số kết quả đánh giá nhanh về mức độ sẵn sàng ứng cử vào Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân các cấp của người khuyết tật

Vào tháng 03/2021 đã thực hiện đánh giá nhanh của UNDP thực hiện trên 111 người với tỷ lệ 47,7% là nam, 51,4% là nữ và 1% giới tính khác; khoảng 60,3% người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, 27% có trình độ THPT, 8,1% có trình độ THCS, 2,7% có trình độc tiểu học và 1,8% chưa học hết tiểu học; độ tuổi trung bình của 111 người tham gia khảo sát cụ thể là 87,4% có độ tuổi từ 24-60 tuổi, 9,9% độ tuổi từ 18 – 23 và trên 60 tuổi chiếm 2,7%; khuyết tật vận động là 64,4%, khuyết tật nhìn 21,6%, khuyết tật khác 6,3%, khuyết tật nghe nói 6,3%, khuyết tật trí tuệ là 0,9%. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 98,2% người khuyết tật mong muốn có đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là người khuyết tật trong đó 52,3% quan điểm là để bảo vệ và đại diện cho người khuyết tật; 26,6% để bình đẳng cho người khuyết tật; 10,1% để chứng minh khả năng của người khuyết tật, 2,8% để đảm bảo tính đa dạng và đại diện; 8,3% với nhiều lý do khác và chỉ có 1,8% cho rằng không nên có đại biểu là người khuyết tật do không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe và phức tạp về mọi thứ. Đánh giá cũng cho thấy 71% người khuyết tật được khảo sát mong muốn trở thành đại biểu và chỉ 29% là không mong muốn trong đó số người mong muốn đã sẵn sàng tự ứng cử chiếm tới 62%. Cũng theo đánh giá nhanh thì 63,3% là chưa biết đến quy trình tự ứng cử.

Đánh giá nhanh cũng ghi nhận kết quả 49/111 người sẵn sàng tự ứng cử trong đó nam chiếm 53,1%, nữ chiếm 44,9% và giới tính khác chiếm 2%; gần 60% trình độ cao đẳng đại học và trên đại học, trên 22% trình độ THPT, hơn 10% THCS, 6,1% tiểu học và 2% chưa học hết tiểu học; 93,9% có độ tuổi từ 24-60, 4,1% độ tuổi từ 18-23 và 2% độ tuổi trên 60; khuyết tật vận động 77,6%, khuyết tật nghe nói 10,2%, khuyết tật nhìn 8,2% và khuyết tật khác 4,1%.

Đánh giá nhanh cũng phân tích khá cụ thể về nơi sống, tình trạng nghề nghiệp, lĩnh vực công tác, lý do người khuyết tật chưa sẵn sàng tự ứng cử, những thách thức gặp phải trong quá trình tự ứng cử để từ đó đề xuất hỗ trợ người khuyết tật tự tin tự ứng cử. Các phân tích đều được phân tích cụ thể theo cả hai nhóm là người khuyết tật tham gia khảo sát và nhóm người khuyết tật đã sẵn sàng tự ứng cử, cụ thể:

Nơi sống

Đối với 111 người khuyết tật tham gia khảo sát thì 63,1% sống tại các thành phố trực thuộc trung ương, 12,6% ở nông thôn, 12,6% ở thành phố trực thuộc tỉnh, 8,1% sống ở miền núi và 3,6 % sống tại các thị trấn nhỏ.

          Đối với nhóm 49 người khuyết tật đã sẵn sàng ứng cử thì 46,9% sống ở thành phố trực thuộc trung ương, 20,4% tại nông thôn, 16,3% ở thành phố trực thuộc tỉnh, 10,2% ở miền núi và 6,1% ở các thị trấn nhỏ.

Tình trạng nghề nghiệp và lĩnh vực công tác của 2 nhóm:

Đối với 111 người tham gia khảo sát thì 86,5% có việc làm và 13,5% không có việc làm trong đó 11,5% làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, 35,4% ở khối phi lợi nhuận và 53,1% làm việc ở khối doanh nghiệp tư nhân. Trong số người khuyết tật có việc làm thì toàn thời gian chiếm 41,4%, bán thời gian là 12,6%, công việc thời vụ 9,9% và tự sản xuất kinh doanh là 22,5%.

Còn đối với nhóm 49 người sẵn sàng tự ứng cử thì số người có việc làm chiếm 81,6%, không có việc làm chiếm 18,4% trong đó 17,5% làm việc trong khối cơ quan doanh nghiệp nhà nước, 20% khối phi lợi nhuận và 62,5% khối doanh nghiệp tư nhân; 28,6% làm toàn thời gian, 7,1% bán thời gian, 16,3% công việc thời vụ và 32,7% tự sản xuất kinh doanh.

Lý do người khuyết tật chưa sẵn sàng tự ứng cử

Trước hết phải kể đến những lý do như không có thời gian, không có điều kiện chiếm tỷ lệ khá cao là 33,3%, cũng chiếm 33,3% là do người khuyết tật chưa đủ tự tin vào bản thân. Các lý do khác như chưa biết cách tự ứng cử và kêu gọi bầu cử chiếm 16,7%, không tin cộng đồng sẽ bầu người khuyết tật là 10% và không quan tâm đến chính trị chiếm 6,7%.

Thách thức người khuyết tật gặp phải trong quá trình tự ứng cử

Đối với nhóm 111 người tham gia khảo sát cho rằng việc chứng minh năng lực, sức khỏe là 42,3%, chưa hiểu rõ về quy trình ứng cử chiếm 16,2%, rào cản tiếp xúc với cử tri là 13,5%, vận động tranh cử là 12,6%, đám ứng yêu cầu trở thành đại biểu là 9% và các thách thức khác là 3,6%

Trong khi đó 49 người đã sẵn sàng tự ứng cử cho rằng chứng minh năng lực, sức khỏe chiếm 32,7%, rào cản tiếp xúc cử tri là 26,5%, đáp ứng các yêu cầu trở thành đại biểu là 12,2%, chưa hiểu rõ quy trình ứng cử 10,2%, vận động tranh cu9wr 10,2%, chuẩn bị hồ sơ 4,1% và thách thức khác 4,1%.

Bằng những phân tích đánh giá khá chi tiết trên nhiều phương diện trong việc người khuyết tật đã sẵn sàng tham chính hay chưa, đánh giá nhanh đã đưa ra đề xuất để hỗ trợ người khuyết tật tự tin ứng cử cho cả 2 nhóm, cụ thể:

Đối với nhóm 111 người tham gia khảo sát thì 15,3% cần hỗ trợ về kiến thức về quy trình bầu cử, 17,1% cần hỗ trợ về kiến thức về hệ thống pháp luật, 16,2% hỗ trợ về cách vận động/tranh cử, 16,2% hỗ trợ các hội nhóm đề cử và cùng tham gia vận động tranh cử, 26,1% tính tiếp cận như thông tin, cơ sở hạ tầng, chính sách và 9% cần các hỗ trợ khác.

Đối với nhóm 49 người đã sẵn sàng tự ứng cử cần hỗ trợ các nội dung: 18,4% cần hỗ trợ về kiến thức về quy trình bầu cử, 18,4% cần hỗ trợ về kiến thức về hệ thống pháp luật, 16,3% hỗ trợ về cách vận động/tranh cử, 16,3% hỗ trợ các hội nhóm đề cử và cùng tham gia vận động tranh cử, 22,4% tính tiếp cận như thông tin, cơ sở hạ tầng, chính sách và 8,2% cần các hỗ trợ khác.

Mặc dù đánh giá nhanh chỉ thực hiện trên 111 người nên các chỉ số đưa ra phần lớn là để tham khảo. Tuy nhiên, với những kết quả có được, đánh giá nhanh cũng đã phần nào phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật trong việc mong muốn có đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là người khuyết tật. Sẽ có chỉ số tăng và cũng có những chỉ số giảm nếu được thực hiện một cách rộng rãi trên nhiều bình diện nhưng đây là căn cứ bước đầu để người khuyết tật có thể tiếp cận quyền tham chính của mình bên cạnh các quyền cơ bản khác như quyền tiếp cận thông tin, lao động, việc làm…

Hy vọng rằng, sau những khảo sát, đánh giá nhanh như thế này những quyền cơ bản của người khuyết tật sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa cũng như tại các nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tới đây và sau này sẽ có thêm nhiều đại biểu là người khuyết tật (theo một số khảo sát, tìm hiểu trong nhiều kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đã có một số người khuyết tật là đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã tại nhiều địa phương; nhiều đại biểu Quốc hội và HĐND là thương binh).

Người khuyết tật có quyền bầu cử và ứng cử theo luật định

Trước hết, phải khẳng định người khuyết tật được bầu cử và ứng cử như những người không khuyết tật. Bởi lẽ, người khuyết tật cũng chính là một công dân bình đẳng trong xã hội, không bị tách biệt và không bị phân biệt đối xử. Hiến pháp 2013 hay Luật Người khuyết tật 2010 đã khẳng định quyền bình đẳng của mọi người trong đó có người khuyết tật và người khuyết tật cũng là tên gọi để phân biệt nhóm đối tượng giống như phụ nữ, trẻ em… mà thôi chứ không phải phân biệt để kỳ thị, để tách biệt. Đó cũng chính là thể hiện sự đa dạng của xã hội. Đồng thời các quyền này đã được khẳng định việc trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (UNCRPD) đã quy định rõ về quyền của người khuyết tật trong tham chính, bao gồm quyền được tham gia vào đời sống chính trị và công cộng mà không bị phân biệt đối xử, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo các quyền đó. Đây là một yếu tố tiên quyết trong công cuộc chống loại trừ và bất bình đẳng, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, người khuyết tật Việt Nam nếu được tham gia vào các hoạt động chính trị cũng có thể có thể đưa những kinh nghiệm và quan điểm của họ vào quá trình ra quyết định. Phải nhấn mạnh rằng, không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề về người khuyết tật tốt hơn chính người khuyết tật. Do đó, cần có nhiều hơn các hoạt động thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật để hướng tới trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều đại diện của người khuyết tật có mặt trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Cần đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận quyền bầu cử và ứng cử

Một trong những việc cần thực hiện trong mỗi giai đoạn bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, rất cần đảm bảo công tác tuyên truyền để giúp người khuyết tật có thể tiếp cận được quyền bầu cử và quyền tự ứng của của bản thân. Đặc biệt là quyền bầu cử.

Để đảm bảo quyền bầu cử, pháp luật cũng đã có quy định để hỗ trợ người khuyết tật được thực hiện quyền bầu cử như hỗ trợ thùng phiếu phụ mang đến tận nơi cho người khuyết tật bỏ phiếu; hạ thấp độ cao để thùng phiếu; người hỗ trợ hạ thùng phiếu để NKT tiếp cận…. Tuy nhiên, có lẽ trong thời gian tới, có chăng, chúng ta cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để người khuyết tật đến trực tiếp địa điểm bầu cử để có thể bỏ lá phiếu cử tri vào thùng phiếu chính (đã có rất nhiều giải pháp được truyền thông rộng rãi cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia thực hiện như bỏ phiếu bằng chân đối với người khuyết tật không thể dùng tay hay thậm chí là mồm ngậm lá phiếu…). Đặc biệt việc này không chỉ đảm bảo quyền thực hiện bầu cử mà nó còn thúc đẩy rất nhiều quyền khác đối với người khuyết tật như quyền tiếp cận giao thông, công trình công cộng, dịch vụ công…

Bên cạnh đó, việc đảm bảo quyền bầu cử của người khuyết tật đã được thực hiện tương đối tốt và được ghi nhận đánh giá cao. Thế nhưng, chỉ đảm bảo để NKT thực hiện quyền bầu cử có lẽ là chưa đủ. Bởi lẽ, với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước kể từ khi thành lập đến nay nhất là khi có Pháp lệnh Người tàn tật sau này là Luật Người khuyết tật đã không chỉ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về khuyết tật mà còn thúc đẩy quá trình hòa nhập bình đẳng và đầy đủ một cách sâu rộng trên tất cả các trụ cột kinh tế – chính trị – xã hội. Và quan trọng hơn cả là từ thụ hưởng các chính sách đó, NKT đang ngày càng chứng tỏ được bản thân, khẳng định được vị thế, cũng như cố gắng đạt được các yêu cầu của cuộc sống trong đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đại biểu để đảm bảo điều kiện có thể được đề cử và ứng cử, đóng góp công sức, thực hiện nghĩa vụ công dân thay vì chỉ thụ hưởng các quyền như trước đây…

NKT không trúng cử không phải vì lý do khuyết tật

Dù là kết quả khảo sát hay thực tế đều khẳng định, người khuyết tật tham gia tự ứng cử mà không trúng cử hay không vượt qua vòng ứng cử thì tỷ lệ cho rằng vì lý do khuyết tật là rất thấp. Điều quan trọng phải hiểu đại biểu của nhân dân là ai, họ có vai trò gì, trách nhiệm như thế nào, đến đâu? mà trước đó để ứng cử còn là yếu tố tiêu chí, tiêu chuẩn và sau đó là cả một quá trình dài hoạt động. Vì vậy, vấn đề người khuyết tật có trúng cử hay không phụ thuộc rất nhiều vào cử tri bởi cử tri mới là người quyết định vấn đề đó. Mà vấn đề cử tri khi đi bầu một ai đó làm đại biểu, vấn đề quan tâm lớn nhất đó là đại biểu ứng cử là ai, họ có năng lực, phẩm chất như thế nào, họ đã làm được gì, họ có đại diện được cho nhân dân không, có khả năng hoàn thành tốt vai trò của một người đại biểu hay không… rất nhiều yếu tố để cử tri xem xét, đánh giá trước khi có quyết định vào lá phiếu.

Vì vậy, để ứng cử đạt hiệu quả cao, người khuyết tật cần chuẩn bị tâm thế cũng như rất nhiều yếu tố, điều kiện ngoài các tiêu chí, tiêu chuẩn để đủ điều kiện tham gia tự ứng cử để đảm bảo chiếm được lòng tin của cử tri nơi mình tham gia ứng cử.

Trên thực tế một số cuộc khảo sát không chính thức gần đây cho thấy NKT hoàn toàn có thể được bầu nếu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đại biểu khẳng định vấn đề khuyết tật không phải rào cản khiến họ không thể trở thành đại biểu.

Sức khỏe không phải là rào cản để NKT tham gia hoạt động chính trị

Có nhiều quan điểm cho rằng người khuyết tật không thể hoặc không nên trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bởi cho rằng người khuyết tật là người có sức khỏe yếu, không đảm bảo được tiêu chí để tham gia ứng cử cũng như không đảm bảo điều kiện để thực hiện vai trò của người đại biểu của nhân dân.

Thế nhưng, thực tế chứng minh, khuyết tật và sức khỏe là 2 phạm trù hoàn toàn tách biệt nhau, không đồng nhất. Phải khẳng định, không phải người khuyết tật là người có sức khỏe yếu mà người khuyết tật là người gặp phải những khó khăn do rào cản khuyết tật mang lại. Nếu đảm bảo điều kiện tiếp cận người khuyết tật có thể hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu công việc thậm chí là hoàn thành tốt các công việc được giao. Có rất nhiều người khuyết tật có thể trạng, thể chất rất khỏe trong khi đó người không khuyết tật thậm chí thể trạng, thể chất không tốt, rất dễ ốm khi có một tác động nhỏ từ bên ngoài.

Thực tiễn cũng cho thấy, có rất nhiều người khuyết tật dù họ bị khuyết tật gì đi chăng nữa nhưng những hoạt động và hiệu quả công việc họ mang lại khiến nhiều người không khuyết tật phải khâm phục bởi sức khỏe, trí tuệ và khả năng vượt trội của họ. “Đây là một nguồn lao động tiềm năng cần được khai thác”.

Trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân không phải con đường duy nhất nói lên tiếng nói người khuyết tật

Rất nhiều người khuyết tật cho rằng phải trở thành đại biểu Quốc hội thì tiếng nói của người khuyết tật mới được mạnh mẽ. Đồng ý rằng, chỉ có người khuyết tật mới hiểu rõ người khuyết tật cần gì, muốn gì và như thế nào nhất nhưng không phải cứ trở thành người khuyết tật mới nói lên tiếng nói mạnh mẽ. Bởi, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều sự quan tâm đến NKT, được thể hiện bằng các chính sách là điều không cần bàn cãi. Những năm gần đây người khuyết tật càng đặc biệt được quan tâm nhiều hơn, tiếng nói của người khuyết tật được thể hiện, các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều hoạt động ngoài trợ giúp còn lắng nghe người khuyết tật thể hiện mong muốn, nguyện vọng; người khuyết cũng được tham gia vào rất nhiều hoạt động giám sát, thúc đẩy việc thực thi luật cũng như được phản biện, lấy ý kiến khi xây dựng những chính sách cho bản thân họ; nhiều địa phương, người khuyết tật đã được tham gia bộ máy chính quyền cấp cơ sở…. Hơn nữa, vai trò của đại biểu nhân dân vốn chính là nói lên tiếng nói của người dân trong đó bao gồm cả tiếng nói của người khuyết tật. Do đó một con đường khác mà rất thuận lợi để người khuyết tật thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mình khi chưa có đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là người khuyết tật chính là thông qua các đại biểu của nhân dân đang đảm đương nhiệm vụ.

Hơn nữa, người khuyết tật cũng cần phải hiểu rõ vai trò, chức năng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân là gì? Có phải chỉ liên quan đến người khuyết tật thôi hay không? Do vậy cần hiểu rõ thì mới khẳng định được tiếng nói mạnh mẽ của mình. Theo điều tra sơ bộ, hiện trên thế giới cũng chỉ khoảng trên 20 quốc gia có đại biểu là người khuyết tật. Như vậy, đâu phải cứ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân là người khuyết tật thì tiếng nói của người khuyết tật mới được thể hiện; cũng như ở Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ trong đó có những chính sách rất tiến bộ, thậm chí hơn nhiều quốc gia như chính sách BHYT.

Quan trọng là có rất nhiều phương pháp, rất nhiều đường hướng để đưa tiếng nói của mình đến với cơ quan lập pháp và giám sát cao nhất. Hơn nữa, ở Việt Nam cũng tin chắc rằng cũng có đại biểu là người khuyết tật nhưng có thể họ không nhận mình là người khuyết tật bởi có lẽ trong suy nghĩ, họ không cảm thấy bị rào cản, họ không cần phân biệt, tách biệt mình hay còn phụ thuộc tiêu chí đanh giá người khuyết tật ở các quốc gia, họ thấy rằng mình binh đẳng như mọi người nên không cần phân biệt khuyết tật hay không khuyết tật mà chỉ cần là công dân, vậy là đủ; hay cũng đã có nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật, là người đứng đầu của các tổ chức của và vì người khuyết tật. Rõ ràng, những đại biểu như vậy đã và đang cất lên tiếng nói mạnh mẽ của người khuyết tật, đưa tiếng nói của người khuyết tật trở thành một phần yếu tố để ra quyết định…

Cần bồi dưỡng, xây dựng đại biểu đáp ứng đủ tiêu chí, đảm bảo điều kiện thực hiện tốt vai trò của người đại biểu

Để có thể trở thành một đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đòi hỏi phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định cũng như khả năng, kỹ năng của bản thân, bên cạnh đó là vai trò, trách nhiệm của một đại biểu trong suốt nhiệm kỳ 5 năm. Do đó, để có thể trở thành đại biểu đòi hỏi người khuyết tật cần phải chuẩn bị rất kỹ càng nhất là am hiểu về hệ thống pháp luật, chính sách nói chung chứ không chỉ riêng những quy định về luật và chính sách đối với người khuyết tật; đồng thời là những kinh nghiệm chính trị, hiểu biết xã hội… Vì vậy, để có thể ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, người khuyết tật cần có sự chuẩn bị cũng như nên đi từ cấp thấp nhất để trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao khả năng chính trị, năng lực bản thân, tích lũy kinh nghiệm trước tiên.

Bên cạnh đó, các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng giữ một vai trò quan trọng để người khuyết tật có thêm cơ hội tham gia chính trị. Vì vậy cần có kế hoạch xây dựng những người khuyết tật có đủ phẩm chất, khả năng để trở thành đại biểu để bồi dưỡng. Vì đại biểu là cần tinh chứ không cần đa (như các cụ dạy là quý hồ tinh bất quý hồ đa) nghĩa là cần chất lượng chứ không cần số lượng.

Ngoài ra, công tác truyền thông một cách sâu rộng, đa chiều, nhiều phương diện là điều vô cùng cần thiết nhất là những người khuyết tật được “kỳ vọng” để trở thành đại biểu. Bởi, có truyền thông sâu rộng, đa chiều, đa phương diện thì mới được cử tri biết đến và điều cử tri quan tâm không chỉ là người khuyết tật đó vượt lên như thế nào mà là người khuyết tật đó có phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín và đã làm được những gì…

Đồng thời, người khuyết tật cũng nên nghiên cứu đường hướng tham gia chính trị của mình, có nên bắt đầu từ cơ sở. Việc bắt đầu đó không phải do mình không đủ năng lực ở vị trí người đại biểu ở cấp cao hơn mà là để mình tích lũy kinh nghiệm cũng như tăng thêm uy tín bởi lẽ người khuyết tật để vận động bầu cử cũng như trải qua các vòng hiệp thương sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi có thể gặp những rào cản do khuyết tật mang lại.

Tạm kết

Có thể nói, trong khoảng thời gian hơn chục năm kể lại đây, đặc biệt khi Việt Nam ký phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, vai trò, vị trí, vị thế của người khuyết tật ngày càng được khẳng định và nâng cao. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, năng lực, khả năng của người khuyết tật cũng không ngừng được phát triển, từng bước đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn và có thể làm tốt vai trò, trách nhiệm ở nhiều cương vị trong xã hội trong đó có vị trí là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của người dân.

Tin tưởng rằng, với hệ thống pháp luật, cùng chính sách hỗ trợ tương đối đầy đủ từ Hiến pháp đến các quy định khác trên mọi mặt của đời sống xã hội cùng với sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với quốc tế cũng, trong tương lai không xa, tại các nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp sẽ có thêm nhiều đại biểu là người khuyết tật.

Tuệ Lâm

Bài viết liên quan

Picture1

Xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh để hỗ trợ Người khuyết tật

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang