Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam – Điểm tựa cho các doanh nghiệp xã hội của và vì người khuyết tật

(ĐHVO). Ngày 16 tháng 1 vừa qua, tại phân xưởng của Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã trao quyết định chính thức công nhận là tổ chức thành viên của Liên hiệp hội cho SAFEVIET.

Tham dự chương trình, có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Gia Cương, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt cùng Ban Điều hành Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET; đại diện Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội; đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh (Hà Nội) và 20 đại diện lao động là người khuyết tật đang lao động tại Doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam tặng hoa chúc mừng cho Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET 

Ở Việt Nam, khái niệm “Doanh nghiệp xã hội” là cụm từ khá xa lạ với nhiều người, điều này cũng dễ hiểu khi đầu tiên “Doanh nghiệp xã hội” mới được quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với các nước phát triển “Doanh nghiệp xã hội” được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng giải quyết vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng và được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập.

Với tiêu chí các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp xã hội đã thực hiện tốt vai trò của mình là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của những người có hoàn cảnh đặc biệt (người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS…) đặc biệt là góp phần tạo thêm các cơ hội hòa nhập cho các cá nhân yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, tạo cơ hội việc làm.

Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam trao Quyết định công nhận tổ chức thành viên của Liên hiệp hội cho SAFEVIET

Sau khi trao Quyết định công nhận tổ chức thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, phát biểu tại chương trình, ông Đặng Văn Thanh – Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam cho biết: Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Cả nước hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có khoảng 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. 75% NKT ở Hà Nội trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhiều NKT nằm ngoài thị trường lao động chính thống do phân biệt đối xử, thái độ tiêu cực và giả định chưa đúng về khả năng của họ. Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng NKT ở Việt Nam có thể lên đến 30% như vậy Việt Nam đang lãng phí nguồn đóng góp 3% GDP cho đất nước. Chính vì vậy, những Doanh nghiệp xã hội của và vì người khuyết tật có vai trò quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận việc làm, đảm bảo sinh kế từ đó thúc đẩy họ hòa nhập xã hội một cách bình đẳng và đầy đủ cũng như có những đóng góp cho xã hội, đất nước.

Chia sẻ tại lễ công bố quyết định, ông Hoàng Vũ – Giám đốc Doanh nghiệp cho biết “Doanh nghiệp xã hội SAFEVIET được thành lập tháng 3/2022 tại địa chỉ 389 An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội với 3 thành viên. Doanh nghiệp hoạt động với ngành nghề chính: Sản xuất hàng may mặc và gia công hàng thủ công.

Do điện tích địa điểm trên quá nhỏ không đáp ứng được nguyện vọng theo học nghề của số học viên đăng ký, tháng 6/2022 SAFEVIET có mượn và thành lập xưởng may tại Trung tâm việc làm thanh thiếu niên Hà Nội (xã Xuân Nộn, Huyện Đông Anh, Hà Nội). Ngay sau khi, hoàn thành việc đầu tư xưởng may và đi vào hoạt động tháng 8/2022 với 4 chuyền quy mô 60 người, khu đào tạo sức chứa 20 người, hoàn thiện khu nhà ở 12 phòng khép kín đảm bảo cho các học viên trong quá trình học và người lao động làm việc tại xưởng. Vì một số lý do, tháng 6/2023, Doanh nghiệp chuyển về hoạt động trong Trung tâm dạy nghề nhân đạo Đông Anh.

Tuy còn gặp những khó khăn ban đầu nhưng ngay trong năm 2022 SAFEVIET tiếp nhận và đào tạo 36 người trong đó 33 lao động là người khuyết tật, còn lại là người thuộc diện yếu thế và luôn duy trì số nhân công cũng như tiếp cận tuyển dụng thêm các lao động là người khuyết tật có nhu cầu làm việc tại SAFEViET thông qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm thanh thiếu niên Hà Nội tổ chức.

Người lao động khi được tiếp nhận vào doanh nghiệp được ưu đãi hưởng toàn bộ chi phí đào tạo, ăn ở trong quá trình học, sau khi đào tạo có nguyện vọng làm việc tại doanh nghiệp đều được hưởng lương do các thành viên của Công ty đóng góp chi trả. Các học viên khi làm ra sản phẩm đều được tính lương với ưu đãi bằng 130% lao động không khuyết tật. Người lao động có thu nhập tùy thuộc vào sức khỏe và tay nghề.

Trong tương lai, SAFEVIET sẽ tiếp tục tiếp nhận và đào tạo nghề cho người khuyết tật, người yếu thế và nâng cao tay nghề của lao động để nhận được đa dạng mặt hàng hơn, tạo thu nhập tốt hơn cho người lao động và mục tiêu bù đủ chi phí doanh nghiệp từ hoạt động.

Doanh nghiệp sẽ cố gắng đa dạng ngành nghề để đáp ứng tính phù hợp hơn cho nhiều người khuyết tật đi làm có thu nhập để ổn định cuộc sống. Tăng cường giao lưu, kết nối với các đơn vị xã hội khác để có thể giới thiệu nghề cho những đối tượng không phù hợp với nghề may hay yếu tố địa lý”….

Có thể thấy, trong hệ thống các tổ chức thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã có một số thành viên là doanh nghiệp xã hội. Cùng với việc Liên hiệp hội nâng đôi cánh cho các doanh nghiệp xã hội này, vẫn cần có thêm nhiều các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của/vì người khuyết tật được hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội từ phía các cơ quan chức năng; hay các địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp để Doanh nghiệp xã hội ngày càng hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp hơn cho xã hội.

Nhật Nam- VSDF

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang