Những nghĩa cử vì người nghèo, người hoạn nạn
Từ năm 2000, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17/10 hằng năm là “Ngày Vì người nghèo”. Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2020 diễn ra từ ngày 17-10 đến 18-11 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chăm lo cho người nghèo. Qua đó góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hàng chục năm nay, đều đặn mỗi tháng một lần, vợ chồng ông, bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Lê Hóa, ở tổ dân phố 5, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), đều trích từ 4 đến 10 triệu đồng để làm từ thiện.
Bà Hằng chia sẻ: “Số tiền làm từ thiện, tôi dành dụm từ đồng lương hưu ít ỏi và của con, cháu biếu. Lúc còn sức khỏe, vợ chồng tôi thường đến tận các điểm cần được hỗ trợ, như: Trại phong ở huyện Phú Bình, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh để giúp đỡ người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ mồ côi… Nay, tôi đã ở tuổi 83, không còn đi xa được nữa thì lại nhờ con, cháu gửi tiền qua tài khoản để giúp đỡ những địa chỉ cần được hỗ trợ.
Cũng như vợ chồng ông, bà Hằng Hóa, chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Long (TP. Thái Nguyên) cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện phường luôn tâm niệm làm công tác thiện nguyện như một lẽ sống. Liên tục chị Liên và các thành viên của CLB triển khai thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện như mở gian hàng không đồng, với hình thức gom quần, áo, dày dép, đồ dùng sinh hoạt… để hỗ trợ những người khó khăn.
Ngoài ra, Chị Liên còn cùng các thành viên CLB Bông Sen vàng tham gia nấu cháo từ thiện tại Bệnh viện A Thái Nguyên để phục vụ bệnh nhân nghèo nơi đây.
Tại Hà Nội, vào đêm 12/9 một vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, Hà Nội, khiến cả xã hội bàng hoàng, đau xót. Trong cơn hoạn nạn ấy, một lần nữa nghĩa tình đồng bào lại được dấy lên mạnh mẽ. Bên cạnh nỗ lực của lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, chúng ta đã thấy những tấm gương về sự lăn xả vì người khác.
Đó là một thanh niên shipper đã tạm dừng việc mưu sinh để lao vào nơi gặp nạn, góp phần cứu được 10 nạn nhân. Đó là các thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu (FAS Angel) đã không ngại nguy hiểm cho bản thân, sẵn sàng tham gia nhận diện, vận chuyển và cứu nạn.
Cùng với đó, một phản ứng tự phát đáng trân trọng khác là nhiều người, không ai bảo ai, không cần tổ chức nào kêu gọi, đã gửi tiền ủng hộ gia đình các nạn nhân của vụ cháy. Chỉ có sức mạnh của sự đồng cảm, của nghĩa đồng bào mới có thể tạo lên kỷ lục 26,5 tỷ đồng ủng hộ mà Ủy ban MTTQ phường Khương Đình tiếp nhận được chỉ vài ba ngày sau khi vụ cháy xảy ra. Đến nay, tổng số tiền tiếp nhận qua 3 tài khoản (của Ủy ban MTTQ TP, quận Thanh Xuân và phường Khương Đình) được công bố là hơn 110 tỷ đồng.
Gần 79.000 tỷ đồng ủng hộ người nghèo và chương trình an sinh
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, kể từ khi phát động đến nay phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp chính quyền địa phương và mọi người dân với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Quỹ “Vì người nghèo” không chỉ giúp đỡ người nghèo về vật chất mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư, qua đó, không ngừng củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong hơn 2 năm (năm 2020 – tháng 6/2022), mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỷ đồng (Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng); vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15.448 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Lũy kế từ năm 2000 đến hết 6 tháng đầu năm 2022 (gần 22 năm), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 78.983 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 19.432 tỷ đồng; các chương trình an sinh xã hội trên 59.551 tỷ đồng.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.680.231 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh; hàng triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; phát triển sản xuất; xây dựng hàng trăm nghìn công trình dân sinh.
Có thể nói càng trong gian khó, tình nhân loại, sự sẻ chia trong các tầng lớp Nhân dân càng thể hiện mạnh mẽ. Đó là nét đẹp trong đời sống được đúc kết ngàn đời của truyền thống văn hóa của Dân tộc Việt Nam.
Theo Báo điện tử Dân sinh