Các đồng chí đại biểu cắt băng khánh thành
Đúng 09h00 sáng, ngày 09/8 Lễ Khánh thành công trình tu sửa Trường Dạy làm báo được diễn ra tại Trường Dạy làm báo Huỳnh Túc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trịnh Việt Hùng – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí đại biểu Quốc hội và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên,… Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gồm đồng chí Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; đại diện Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn đồng chí Tạ Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc PVFCCo.
Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó gồm Nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc; Nhà báo Xuân Thủy làm Phó Giám đốc, nhà báo Như Ngọc, Uỷ viên thường trực; nhà báo, nhà thơ Tú Mỡ, Uỷ viên đôn đốc; nhà báo, nhà văn Đỗ Phồn Ủy viên giám thị.
Ngày 18/01/2024, Lễ khởi công tu bổ tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức. Tới nay, sau 7 tháng thi công, với sự phối hợp rất tích cực của lãnh đạo và các ban, ngành tỉnh Thái Nguyên…, công trình Di tích Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành hầu hết các hạng mục chính như sau:
Hội trường có thể phục vụ các hội nghị, hội thảo… với sức chứa lên đến 150 người; Quảng trường phục vụ tổ chức sự kiện rộng khoảng 200m2. Ngôi nhà sàn – Bảo tàng thu nhỏ về báo chí kháng chiến Việt Bắc giai đoạn 1946-1954, rộng 80m2, phỏng theo ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến. Trong đó có tạo khắc 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biết tại chương trình
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết: “Tổng Bí thư Trường Chinh viết vào lưu bút rằng, khóa thứ nhất của trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay, tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo các chiến Chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút Và hướng dẫn dư luận quốc dân. Tính từ lầu son báo chí cho đến nay chúng ta đã có 10 cơ sở đào tạo Cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình.”
Tại chương trình, Ban Tổ chức cũng trao tặng bằng khen cho các cá nhân có cống hiến trong xây dựng tu bổ lại Trường Dạy làm báo đầu tiên. Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng quyết định tặng quà cho gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tân Thái.
Các em nhỏ được trao quà tặng
Đây là công trình mang ý nghĩa rất lớn đối với những người làm báo cũng như lịch sử báo chí nước ta. Tu bổ Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là công trình có lịch sử văn hóa quan trọng, thể hiện được tinh thần báo chí, là di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho thế hệ các nhà báo tương lai.
Trương Đức Hoàng