Hội thảo “Kết nối các đơn vị, doanh nghiệp và lao động là người khuyết tật”

(ĐHVO). Sáng ngày 10/10/2023, tại Khách sạn Adonis, Hội thảo “Kết nối các đơn vị, doanh nghiệp và lao động là người khuyết tật” được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp và người lao động là người khuyết tật.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của bà Park Yeonjae – Quản lý dự án VET của Angel’s Haven, ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, TS. Nguyễn Nhân Thắng – Giám đốc Trung tâm giải quyết việc làm trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Bác sĩ Đỗ Thúy Lan – Giám đốc Trung tâm Sao Mai, bà Hoàng Thị Hiệp – Cán bộ chương trình Trung tâm REACH Hà Nội cùng các thanh thiếu niên khuyết tật và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan báo chí truyền hình,…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Park Yeonjae – Quản lý dự án Angel’s Haven chia sẻ, VET là dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực xin việc thông qua việc đào tạo dạy nghề cho thanh niên Việt Nam, cung cấp cơ hội xin việc có chất lượng, giúp thanh niên khuyết tật có thể tự lập, tự chủ về kinh tế. Từ khi dự án được triển khai, dự án đã tổ chức các khóa học đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề, các buổi tư vấn, giáo dục việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật. Trong đó, mục tiêu của dự án là tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là giúp người khuyết tật lựa chọn được ngành nghề yêu thích và phù hợp đối với dạng tật của mình, từ đó có thể sống một cuộc sống mà mình mong muốn.

Bà Park Yeonjae – Quản lý dự án Angel’s Haven phát biểu khai mạc Hội thảo

Chia sẻ về kế hoạch đào tạo nghề cho người khuyết tật tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, TS. Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm giải quyết việc làm trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được hỗ trợ và giúp đỡ, đặc biệt là vấn đề việc làm. Trải qua 3 khóa đào tạo với bao khó khăn, thách thức, giờ đây, trường đã dần thích nghi và khắc phục được khó khăn ấy. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, vẫn cần có cơ chế, chính sách trong việc bổ sung giáo viên có khả năng hỗ trợ người khuyết tật; sự quan tâm, phối hợp hơn nữa của tổ chức xã hội với nhà trường trong công tác truyền thông tư tưởng cho phụ huynh học sinh; cần có cơ chế, chính sách khuyến học cho các đối tượng người khuyết tật để các em được khích lệ, động viên khi tham gia chương trình học.

TS. Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm giải quyết việc làm trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Theo BS. Đỗ Thúy Lan – Giám đốc Trung tâm Sao Mai, việc giáo dục cho các em học viên khuyết tật là điều thực sự khó khăn, bởi lẽ ở mỗi em có một dạng tật, mức độ khuyết tật khác nhau. Để tăng cường khả năng tư duy, ghi nhớ và nâng cao nhận thức, các giáo viên cần thiết kế chương trình giáo dục linh hoạt, phù hợp với khả năng của các em, kết hợp khéo léo giữa lý thuyết và thực hành. Kết quả, đã có nhiều em tự tìm kiếm được công việc phù hợp, một số em có được công việc nhờ sự giúp đỡ, kết nối của trung tâm và gia đình. Mặc dù vậy, theo bà Lan, nhu cầu việc làm của người khuyết tật và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cấp để tìm được điểm chung.

BS. Đỗ Thúy Lan – Giám đốc Trung tâm Sao Mai chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ về tổng quan nhu cầu việc làm của người khuyết tật. Theo đó, trung tâm giới dịch vụ việc làm là tổ chức công, đóng vai trò là cây cầu kết nối doanh nghiệp với người lao động, trong đó có lao động khuyết tật. Kể từ thời điểm thành lập năm 1991 đến nay, trung tâm đã đạt được kết quả nhất định như có mạng lưới doanh nghiệp kết nối rộng khắp với 1.753 doanh nghiệp; đối với người khuyết tật: tiếp nhận, tư vấn việc làm cho 7.439 người, giới thiệu việc làm cho 2.637 lượt người, tư vấn học nghề cho 760 người. Con số này vẫn còn rất hạn chế so với số lượng người khuyết tật hiện nay tại Việt Nam. Từ năm 2012, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm là một bước tiến lớn đối với trung tâm cũng như người yếu thế, bởi ở đó, doanh nghiệp và người khuyết tật được gặp nhau, giải quyết một phần nhu cầu việc làm, tuyển dụng của mỗi bên. Song theo Báo cáo Điều tra Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016, người khuyết tật tham gia lực lượng lao động chỉ chiếm 32,76% người khuyết tật. Đứng trên góc độ là đơn vị trung gian, kết nối các bên, Trung tâm dịch vụ việc làm thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, một số kiến nghị đã được đề xuất như sau:

Một là, Các chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật cần gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp;

Hai là, việc cấp giấy chứng nhận cho người khuyết tật cần được thực hiện một cách đầy đủ;

Ba là, hệ thống phương tiện công cộng cần có công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật.

Ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về việc tuyển dụng người lao động khuyết tật của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Phượng – Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ NYP khẳng định, trình độ, năng lực của người khuyết tật làm việc tại cơ sở mình là không thể phủ nhận, sự nỗ lực trong công việc của người lao động khuyết tật được thể hiện rõ nét tại chất lượng sản phẩm và dịch vụ tới tay khách hàng. Ông cho biết, điều khó khăn nhất trong quá trình làm việc với người khuyết tật là vấn đề giao tiếp và truyền đạt thông tin. Để khắc phục hạn chế đó, ông cùng cộng sự đã linh hoạt thay đổi cách làm việc thông thường bằng cách làm việc bằng hình thức trực tuyến, nhắn tin… Đứng trên góc độ là người tuyển dụng, ông Phượng cũng chia sẻ, để tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm hơn, người khuyết tật cần chủ đông, tự tin, nâng cao tay nghề, trang bị đầy đủ kiến thức, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ về khả năng của người khuyết tật một cách tích cực và cởi mở hơn.

Ông Nguyễn Đình Phượng – Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ NYP chia sẻ tại Hội thảo

Anh Trần Thành Trung – Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital cho biết, bản thân là một người khuyết tật, trải qua mọi giai đoạn từ học nghề, phỏng vấn xin việc, trở thành nhà tuyển dụng… anh là người thấu hiểu rõ nhất nỗi lòng của cả người lao động và người sử dụng lao động. Nhìn nhận một cách khách quan, để có nhiều cơ hội việc làm hơn, người khuyết tật cần chủ động, tự tin học tập, thể hiện khả năng của bản thân, cố gắng nỗ lực đóng góp công sức cho xã hội.

“Mong muốn rằng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nói riêng và các trung tâm dịch vụ việc làm nói chung sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa, tạo được mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp, kết nối được ngày càng nhiều người khuyết tật với doanh nghiệp, từ đó tạo được nhiều cơ hội việc làm, gia tăng tỷ lệ người khuyết tật tham gia lực lượng lao động.” – Ông Phạm Quang Khoát – Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai chia sẻ.

Hồng Liên

 

 

 

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang