(ĐHVO). Sáng Chủ nhật ngày 13/10/2024, trong bầu không khí sôi động bao trùm Le Parc Gamuda, Công viên Yên Sở khi giải chạy thiện nguyện “Nâng bước chân em” lần thứ 6 chính thức khởi động. Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em và người bại não Việt Nam. Sự kiện ý nghĩa này không chỉ là một “cuộc đua”, mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, nơi hàng ngàn trái tim chung nhịp đập vì cộng đồng trẻ em và người bại não Việt Nam.
Hình 1: những trái tim mang tinh thần đoàn kết cùng nhau chinh phục giải chạy thiện nguyện
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019 nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới nâng cao nhận thức về chứng bại não 06/10, sự kiện “Nâng bước chân em” đã trở thành một điểm hẹn đầy ý nghĩa. Không chỉ là một giải chạy đơn thuần, đây còn là cầu nối yêu thương, nơi những trái tim nhân hậu cùng quy tụ, chung tay mang đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em và người mắc bệnh bại não. Với mong muốn kết nối cộng đồng, lan tỏa thông điệp yêu thương và chia sẻ, “Nâng bước chân em” đã thu hút sự tham gia của hơn 1000 người đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, tất cả cùng nhau hướng tới tinh thần nhân văn cao cả: Chung nhịp chạy – Trao yêu thương – Chạy vì trẻ em và người bại não. Mỗi bước chân trên đường chạy không chỉ là hành động rèn luyện sức khỏe mà còn là lời động viên, là nguồn động lực lớn lao cho các em nhỏ đang phải đối mặt với những khó khăn. Đặc biệt hơn, toàn bộ chi phí tham gia và các khoản ủng hộ từ sự kiện sẽ được chuyển giao trực tiếp đến Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam (CPFAV).
Hình 2: Hàng nghìn người tham dự và hưởng ứng giải chạy “nâng bước chân em”
Phát biểu khai mạc, Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: “Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó ước tính có hơn 50.000 trẻ em và người bại não. Đây là tình trạng bệnh lý gây nên do não bộ bị tổn thương hoặc chậm phát triển, bệnh có thể xuất hiện trước, trong và sau sinh; để lại di chứng kéo dài, gây ra những rối loạn nghiêm trọng về vận động, tinh thần, giác quan, ngôn ngữ và hành vi. Chất lượng cuộc sống của người bại não cũng vì vậy mà ảnh hưởng rất nhiều khi hội chứng gây ra khó khăn cho các hoạt động hàng ngày. Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến các gia đình, trẻ em và người bại não. Trong những năm qua, CPFAV đã không ngừng phát triển và mở rộng các hoạt động hỗ trợ người bại não. Với hơn 5000 thành viên và 63 chi hội trên cả nước, CPFAV đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trẻ em bại não, người bại não và gia đình, giúp các em có cơ hội phục hồi và hòa nhập. Bên cạnh đó, CPFAV cũng tích cực tham gia vào các hoạt động vận động chính sách, nhằm cải thiện quyền lợi và nâng cao chất lượng sống cho trẻ bại não, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng người khuyết tật.”
Hình 3: Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại sự kiện
9 giờ sáng, tiếng hô vang náo nức khai mạc cuộc chạy bộ. Hàng trăm đôi chân rộn ràng đổ ra cung đường 3km và 5km tuyệt đẹp tại công viên Yên Sở. Không khí sôi động lan tỏa khắp nơi khi các vận động viên cùng nhau chinh phục thử thách, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc của tinh thần thể thao vì cộng đồng.
Hình 4: Trẻ em bại não và người người nhà hào hứng tham gia giải chạy
Đây là một sự kiện thiết thực, góp phần mang đến những cơ hội điều trị, phục hồi chức năng và hỗ trợ để mỗi trẻ em bại não đều có cơ hội được sống một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Bên cạnh đó, tại sự kiện còn có khu vực bán hàng gây quỹ quy tụ 3 doanh nghiệp xã hội: GoGreen, Tổ chim cúc cu và Chạm vào xanh. Cả ba đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là người bại não, thông qua việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Hình 5: gian hàng gây quỹ hỗ trợ trẻ em và người bại não
Hình 6-7 : Đại diện Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam tham dự sự kiện
Hình 8: Ông Nguyễn Gia Cương – Uỷ viên Ban Thường vụ Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt tham gia trao giải
Hình 9: Hoạt động gắn kết cộng đồng trẻ em và người bại não Việt Nam
Biên tập: Nguyễn Thị Hương Mi