(ĐHVO). Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam luôn được biết đến là tổ chức, tin cậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi. Kể từ khi được thành lập, Hội đã và đang trở thành cầu nối gắn kết giữa các đối tượng đặc biệt, mang đến niềm tin, tạo sinh kế, thu nhập để họ tự tin vươn lên sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
Đi đầu trong vận động nguồn lực
Công tác vận động nguồn lực luôn là thách thức, bài toán khó cần tìm lời giải và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Hội bởi thực tế có quỹ Hội mới có hoạt động Hội. Do đó, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã vận động quỹ bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ động, linh hoạt, phong phú, sáng tạo và hiệu quả.
Kết quả cho thấy sự nỗ lực quyết tâm, vượt khó của toàn hệ thống Hội khi tổng nguồn lực cả nước do Hội chủ trì, vận động đạt 559 tỷ đồng. Trong đó nhiều tỉnh, thành Hội vận động quỹ Hội đạt kết quả cao như: Lâm Đồng; Vĩnh Long; An Giang; Bình Phước, Tây Ninh; TP. Hồ Chí Minh; Nghệ An, Đồng Tháp, Thanh Hóa; Hậu Giang; Quảng Trị; Tiền Giang; Bình Thuận; Hà Nội, Cao Bằng, Quảng Ninh … Ngoài ra, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng với tổng trị giá hơn 47 tỷ đồng.
Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã có phương thức vận động đa dạng, hiệu quả như: Bình Phước tiếp tục phát huy chương trình “Chia sẻ nỗi đau”, Khát vọng sống”, kết nối “Ngoại tuyến”, kêu gọi các mạnh thường quân trực tiếp trợ giúp cho các nhân vật trong chương trình như xây nhà, sinh kế, hỗ trợ vốn chăn nuôi, mua sắm đồ dùng gia đình có giá trị. Đồng Tháp gửi thư ngỏ tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mua thẻ BHYT trao tặng cho hộ cận nghèo. Đà Nẵng thu hút nguồn tài trợ từ các cha mẹ nuôi trong nước và tổ chức con nuôi nước ngoài thông qua việc chăm sóc các cháu sơ sinh và giải quyết các thủ tục nhận con nuôi trong và ngoài nước. Lâm Đồng gửi thư đến nhà tài trợ đề nghị khôi phục lại chương trình viện trợ sau 2 năm gián đoạn do Covid; sử dụng mạng xã hội qua zalo, facebook để đưa thông tin các hoàn cảnh đặc biệt lên nhóm, các chi hội để vận động nguồn lực trợ giúp kịp thời. TP. Hồ Chí Minh xây dựng chương trình học bổng dành cho trẻ mồ côi do đại dịch Covid để huy động sự đóng góp của cộng đồng…
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết thêm: “Việc vận động nguồn lực là vô cùng khó. Để vận động được nguồn lực lớn như vậy, Trung ương Hội và các cấp Hội địa phương đã luôn đảm bảo được sự uy tín của tổ chức Hội với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Việc kết nối trao tặng cho NKT cần được tổ chức bài bản, đáp ứng được mong muốn và sự tin tưởng của các nhà tài trợ. Hội cũng mở rộng nhiều đối tác, nhiều nguồn tài trợ nguồn lực mới để trợ giúp được tối đa cho NKT”.
Năm 2022, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cho Trung ương Hội và các tổ chức thành viên chỉ có 45,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8% so với tổng quỹ Hội vận động được trong năm. Với nguồn quỹ vận động được, trong năm 2022, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tiếp tục triển khai thực hiện 6 chương trình bảo trợ trọng tâm của Hội và tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp khác cho hơn 3 triệu lượt người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác với giá trị chi ra là535 tỷ đồng.
Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đối tượng
Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, phản biện xã hội đối với nhiều chính sách, dự thảo văn bản pháp luật. Trung ương Hội đã có văn bản tham gia ý kiến góp ý vào các dự thảo báo cáo rà soát, đánh giá chính sách và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến Quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của NKT; Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo về tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; góp ý kiến Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)…
Bên cạnh đó, Trung ương Hội đã triển khai hoạt động điều tra, khảo sát về tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật nhằm góp phần tham gia tiếng nói xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT. Hoạt động đã thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của các cơ quan, địa phương trong việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật. Sau hoạt động khảo sát, TW Hội sẽ xây dựng báo cáo gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất những kiến nghị về đảm bảo tiếp cận giáo dục để tiếp tục hoàn thiện chính sách về NKT.
Năm 2022, Trung ương Hội tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm và vay vốn đối với NKT; Hội nghị đối thoại, tư vấn, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền chính sách pháp luật cho NKT tại Phú Thọ, Nam Định; Tọa đàm về cấp giấy phép lái xe cho NKT tại Nam Định… Trung ương Hội đã cử đại diện tham dự các Hội nghị, hội thảo, tập huấn, đóng góp ý kiến về xây dựng, hoàn thiện chính sách do các bộ, ngành có liên quan tổ chức.
Các tỉnh hội như Thanh Hóa, Hà Nội, Vĩnh Long, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Thuận… cũng đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về Luật NKT, Luật trẻ em, thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT nhằm góp phần thực hiện Đề án 1190.
Ngoài ra, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã làm tốt chức năng đại diện tiếng nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NKT. Hội đã trả lời trực tiếp, trả lời qua điện thoại, email, facebook về những chính sách đối với NKT, hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhiều đơn thư, kiến nghị của NKT.
Thực hiện cho cộng đồng nhiều chương trình ý nghĩa
Trung ương đã triển khai và phát động trong toàn hệ thống Hội tham gia chương trình chạy bộ trực tuyến vì cộng đồng UP RACE, nhằm tuyên truyền về hoạt động Hội, vận động ủng hộ quỹ Hội. Chương trình do Công ty Cổ phần VNG tổ chức từ ngày 28/10 – 20/11/2022, với mỗi km chạy bộ hợp lệ, người chạy sẽ ủng hộ 1000 đồng vào quỹ Hội. Nhiều tỉnh, thành hội như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Lạng Sơn, Tiền Giang…. đã tích cực, chủ động, phối hợp với Đoàn thanh niên, các trường học, liên đoàn lao động phát động giải chạy tại địa phương. Kết thúc chương trình, tổng số tiền quyên góp được là hơn 2 tỷ đồng.
Cùng với Trung ương Hội, các tỉnh, thành hội đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương với nhiều hình thức khác nhau như Tọa đàm, Hội nghị, giao lưu. Đà Nẵng tổ chức chương trình “Những trái tim hồng” sau 2 năm tạm ngừng do Covid; chương trình “Nâng cánh ước mơ lần 2”, trưng bày tranh vẽ của trẻ mồ côi, khuyết tật. Thái Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt, tôn vinh, tri ân các tập thể, cá nhân cho nhiều đóng góp trong hoạt động Hội. Một số tỉnh, thành hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương như Bình Định, Kon Tum, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Thái Bình…
Các tỉnh, thành hội cũng đã chú ý xây dựng, mở rộng, phát triển trang website của đơn vị mình nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật, kết nối vận động quỹ, biểu dương các tấm gương điển hình, thông tin về các hình thức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình… Tạp chí “Người bảo trợ” tiếp tục phát huy thế mạnh cơ quan ngôn luận, tuyên truyền có hiệu quả về các hoạt động của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên. Tạp chí đi sâu tuyên truyền về chính sách pháp luật, kết nối vận động quỹ, biểu dương các tấm gương điển hình, thông tin về các hình thức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình… trong toàn hệ thống hội từ Trung ương đến địa phương.
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội, xóa bỏ rào cản giúp NKT tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng; kết nối tập hợp ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực để trợ giúp NKT và người yếu thế khác thông qua các hoạt động của Hội.
Không ngừng mở rộng hợp tác, kết nối
Trung ương Hội tiếp tục duy trì và phát triển tốt mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức của các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Australia …. Kết nối, giới thiệu về tổ chức và các hoạt động của Hội đến một số Đại sứ quán như Bangladesh. Vận động Quỹ LOAN (Đức) ủng hộ kinh phí xây dựng 02 lớp học bán trú, tổng trị giá 923 triệu đồng, cho học sinh dân tộc thiểu số tại xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình hợp tác 3 năm với Trung ương Hội về trao tặng xe lăn cho NKT.
Được sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự quan tâm, đồng lòng của toàn xã hội và các tổ chức trong nước và quốc tế, Hội Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp đa dạng, toàn diện với sự sáng tạo, linh hoạt, thích ứng. Hội đặc biệt chú trọng tới việc khai thác các nguồn lực thông qua phối hợp liên kết, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ Hội, tận dụng tiện ích công nghệ thông tin để tập trung thực hiện nhiệm vụ góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết Đại hội VI.
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), năm thứ ba thực hiện các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đối với NKT và nhiều chương trình an sinh xã hội khác. Năm 2023 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, kinh tế chưa phục hồi đà tăng trưởng, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống nhân dân vẫn còn, tuy nhiên, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đặt lên hàng đầu việc coi trọng trợ giúp cả vật chất lẫn tinh thần, bảo vệ quyền của NKT, hỗ trợ NKT, người nghèo tiếp cận chính sách và nguồn lực, tìm việc làm, tạo sinh kế, thu nhập để họ tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, tự tin vươn lên sống độc lập và hòa nhập cộng đồng./.
Nguyễn Văn Sự