HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Việt Nam, nhằm tôn vinh và thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với những người đã vì Tổ quốc mà chiến đấu hy sinh. Ngay từ khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ” và chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để cả nước bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến hy sinh cho đất nước.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Trong mọi hoàn cảnh dù gặp khó khăn do chiến tranh, địch họa nhiều năm, xong Nhà nước vẫn luôn chú trong chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, “Phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng”… Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày thiêng liêng tôn vinh và tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước với dân. 

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29/8/1994. Qua 7 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020. Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2021 (sau đây viết tắt là Pháp lệnh-2020) là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện. Pháp lệnh gồm 7 Chương, 58 điều, trong đó có bổ sung 02 chương 10 điều mới và sửa đổi 41 điều của Pháp lệnh hiện hành, bổ sung và tiếp tục khẳng định nguyên tắc: 

(i) Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội; 

(ii) Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Sau một năm có hiệu lực, Pháp lệnh năm 2020 được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, bước đầu đã có kết quả tích cực, giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn và bổ sung các chế độ, chính sách mới đối với từng diện đối tượng trong điều kiện ngân sách nhà nước cho phép. Lần sửa đổi này, Pháp lệnh đã mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cả người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng người có công và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi bao gồm: 

(i) người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; 

(ii)  Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng;

(iii) Bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công với cách mạng được tiến hành theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Pháp lệnh năm 2020 chỉ xem xét công nhận liệt sĩ và thương binh thời kỳ đất nước hòa bình đối với những trường hợp: 

(i) Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; 

(ii) Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; 

(iii) Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; 

(iv) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. 

(v) Đối với bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình: chỉ xem xét công nhận đối với trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Pháp lệnh năm 2020 đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Cụ thể:

 (i) Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; 

(ii) Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; 

(iii) bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Đồng thời Pháp lệnh mới cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Với quan điểm “Tất cả người có công đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống người có công ngày được nâng cao” các chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và gia đình họ.

Chính phủ đã ban hành 02 nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh năm 2020 là: 

Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, quy định về mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với  người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; các chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ phục hồi chức năng cần thiết; Hỗ trợ ưu đãi giáo dục, thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ và các chế độ thờ cúng liệt sĩ… có sự thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng vừa là đạo lý, vừa là bổn phận của mỗi người Việt Nam. Trong suốt những năm qua, Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh… Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác người có công với cách mạng, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với ngân sách Nhà nước để chăm lo đời sống của người có công và gia đình. Đồng thời nghiêm khắc xử lý các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đảm bảo khách quan và công bằng tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách đặc biệt và cao quý này.

Tiếp tục hoàn thiện và đưa chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đi vào cuộc sống không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, mà cần phải là những việc làm thiết thực, thường xuyên hằng ngày để giúp các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn cả về tinh thần và vật chất trong cuộc sống. 

Ngày 27/7 mỗi người cần tự xem xét lại mình, nhắc nhở nhau phải sống sao cho xứng đáng, cùng nhau chung tay, góp sức tùy theo khả năng của mỗi người chia sẻ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người già cô đơn, người bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ em mồ côi do đại dịch vừa qua… và thực hiện nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp cho xã hội. Đây cũng chính là dịp các bậc phụ huynh nhắc nhở cho con cháu biết quý trọng từng tấc đất quê hương đã thấm máu ông cha ngàn đời. 

Có được độc lập, tự do và cuộc sống tốt đẹp hôm nay Nhân dân Việt Nam đã phải trả bằng máu xương của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh qua nhiều thế hệ, những người đã vì Tổ quốc mà chiến đấu hy sinh./.

LS. Trần Văn Chương

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang