Tú Anh (thứ 2 từ phải qua) hiện làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Trung tại TP Vinh, Nghệ An. |
Học và thi lấy chứng chỉ tiếng Trung, Tú Anh sau đó được trung tâm mời làm giáo viên dạy online. Khi đã tự kiếm được tiền, cô gái trẻ mới quay về thực hiện ước mơ bước lên giảng đường đang còn dang dở…
Gia cảnh éo le
Nguyễn Thị Tú Anh là tân sinh viên đặc biệt của Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, khi bước vào giảng đường cô đã sang tuổi 25. Dù đã trúng tuyển, nhưng việc theo học của nữ sinh này vẫn còn đầy lo toan, vất vả phía trước. “Em chỉ nghĩ mình không có sức lực thì chỉ có thể đứng lên bằng nghị lực. Em mong mình học hết đại học, có nghề phù hợp với sức khỏe để tự lo cho cuộc sống bản thân”, nữ sinh xứ Nghệ chia sẻ.
Tú Anh cùng mẹ, chị gái và em trai sinh sống ở gian nhà cấp 4 chật hẹp, cũ kỹ, nằm sâu trong con hẻm của đường Bùi Thị Xuân, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Phòng khách nhà Tú Anh cũng là phòng ngủ, cũng là nơi cô nhận làm gia sư tiếng Trung tại nhà.
Khi chúng tôi đến nhà, Tú Anh đang cùng học trò trao đổi, vừa nói vừa viết, chiếc bàn xếp đặt trên giường cho tiện sử dụng. Chỉ đến khi Tú Anh bước xuống, người tiếp xúc mới thấy đôi chân của cô bị teo nhỏ, không thể đi lại bình thường. Nhờ đôi giày chuyên dụng hỗ trợ, Tú Anh mới có thể đứng lên, bước thấp bước cao.
“Bây giờ em có thể di chuyển với giày kẹp chân và bánh xe trượt, nhưng không biết được bao lâu nữa, vì càng ngày chân em lại càng yếu hơn…”, giọng nói của Tú Anh như chùng hẳn xuống.
Cách đây 3 năm, Tú Anh là học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), thi đậu tốt nghiệp với số điểm khá cao. Nhưng cảnh nhà khó khăn chồng chất, Tú Anh lặng lẽ gói cất mọi dự định vào đại học. Trước mắt, em phải tìm việc, cố gắng làm ra tiền để phụ giúp mẹ gồng gánh gia đình.
Bà Lê Thị Hoa – mẹ Tú Anh kể: “Cha tôi ngày xưa từng là bộ đội, tham gia chiến đấu ở miền Nam. Sau này trở về bị mất hết giấy tờ nên không có chế độ gì, con cái cũng chịu thiệt thòi. Từ khi tôi sinh ra, hai chân yếu rồi dần teo nhỏ. Mọi người xung quanh bảo tôi bị di chứng chất độc da cam…”.
Cuộc đời bà Hoa cũng đầy lận đận, trắc trở. Lấy chồng rồi lần lượt sinh ba đứa con, nhưng cả ba đều ốm yếu, mang dị tật. Hai vợ chồng chia tay, người chồng bỏ đi biệt xứ, bà Hoa dắt díu con về nương nhờ nhà ngoại. “Trong 3 đứa, Tú Anh ham học nhất. Con gái đầu học đến lớp 9 thì bỏ học vào Nam làm công nhân. Đứa út học xong tiểu học rồi nghỉ. Tú Anh học xong lớp 12 muốn vào đại học, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, cháu phải đi làm kiếm tiền phụ thêm cho mẹ”, bà Hoa nhớ lại.
Trước đó, khi chân còn nhúc nhắc đi lại được, bà Hoa vẫn chịu khó ra chợ ngồi bán rau buổi sáng. Nhưng càng ngày, chân càng đau nặng, bà phải bỏ chợ. Mọi việc chi tiêu cho cả gia đình chỉ biết trông vào tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng.
Nguyễn Thị Tú Anh dạy tiếng Trung tại nhà cho học sinh. |
Khát khao tìm tri thức
9 tuổi, Tú Anh mới được đi học lớp 1. Cho đến giờ, em vẫn nhớ rõ ràng ký ức về buổi học đầu tiên ấy. “Em nhớ hôm đó mẹ dặn ở nhà, ngủ dậy đợi mẹ ra chợ lấy hàng về rồi sẽ đưa đến trường. Nhưng mới hơn 5 giờ sáng em đã dậy, không chờ được mà tự mang cặp sách đi học. Lúc đó được đi học là em đã vui mừng, háo hức lắm rồi”, Tú Anh kể.
Bà Lê Thị Hoa trải lòng, Tú Anh sinh ra lành lặn, khỏe mạnh bình thường. Nhưng sau đó mấy năm, sau một trận sốt cao khiến sức khỏe cô bé bị ảnh hưởng nặng, trở nên yếu ớt hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Chậm nói, chậm đi, nên đến năm lên 6 tuổi Tú Anh vẫn chưa thể vào lớp 1, bà Hoa cũng thôi dần ý định cho con đi học.
Nhưng trí tuệ cô bé vẫn phát triển bình thường, nhìn bạn bè lần lượt tới trường, Tú Anh không kìm nén được khát khao. Mỗi lần có dịp được mẹ chở đi qua trường học, em cứ nhìn mãi các bạn mặc đồng phục, rồi tha thiết xin mẹ được đến trường. Quãng thời gian đó, gia đình em cũng trải qua nhiều biến cố, bố mẹ đường ai nấy đi. Mỗi lần cán bộ phổ cập của phường đến vận động cho Tú Anh đến trường, bà Hoa lại ngại ngần lảng tránh.
Dù thuộc diện hộ nghèo, được miễn giảm học phí, các khoản đóng góp, nhưng một tay chạy ăn từng bữa nuôi ba đứa con, sức khỏe Tú Anh vẫn chưa cải thiện, nên bà vẫn lần lữa. Đến năm Tú Anh 9 tuổi, người mẹ khó nhọc của em mới nộp hồ sơ xin nhập học cho con vào lớp 1.
Nữ sinh chỉ có thể đi lại với sự trợ giúp của giày chuyên dụng. |
Được đi học là niềm hạnh phúc, thỏa ước ao nên Tú Anh lúc nào cũng cố gắng. Suốt 12 năm học, em luôn là người lớn tuổi nhất lớp, nhưng các bạn đều hòa đồng, không phân biệt và giúp đỡ em rất nhiều. “Hồi tiểu học, hai chân em vẫn đi lại được bình thường, nhưng lên cấp 2 chân em bắt đầu đau ở các khớp, không phát triển thêm và teo cơ dần.
Suốt thời gian sau đó, các bạn gần nhà đều qua chở em đi học, có bạn chở em đến hết năm lớp 12. Vì thế, em không cho phép mình bi quan, mà càng khó khăn lại càng cố gắng. Em nghĩ với tình trạng sức khỏe của bản thân, chỉ có con đường học mới giúp mình có tương lai”, Tú Anh tâm sự.
Trong những năm THPT, Tú Anh bắt đầu tự học thêm tiếng Trung qua mạng Internet. Sau đó, để nâng cao ngữ pháp, kỹ năng phát âm, em đăng ký khóa học 6 tháng tại một trung tâm tiếng Trung, thi đạt chứng chỉ HSK5. Với vốn tiếng Trung khá tốt, sau khi học xong lớp 12, nữ sinh được một trung tâm ngoại ngữ tạo điều kiện mời làm giáo viên trợ giảng và dạy online.
Sau 3 năm đi làm, tự nuôi bản thân, giúp mẹ trang trải cuộc sống, có một khoản “để dành”, Tú Anh mới nghĩ đến dự định đại học vẫn còn dang dở. “Ước mơ lớn nhất của em là sẽ vào học một trường ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Trung. Em cũng thấy mình có khả năng sư phạm, nhưng với sức khỏe của mình, em nghĩ sẽ rất khó khăn để “đứng lớp” khi sức khỏe ngày càng yếu. Về lâu dài, em sẽ khó mà gắn bó được với nghề giáo viên. Vì vậy, em nghĩ đến ngành kế toán, công việc lao động trí óc và có thể hạn chế không phải di chuyển nhiều”, nữ sinh nói.
Sau khi cân nhắc hoàn cảnh bản thân và điều kiện gia đình, Tú Anh đăng ký nguyện vọng và trúng tuyển vào ngành Kế toán, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Nhưng đi học, cũng đồng nghĩa với việc em không thể đi làm như trước đây được nữa. Thay vào đó em chỉ có thể làm thêm, với thời gian biểu phụ thuộc lịch học ở trường. Thu nhập sẽ giảm trong khi chi phí học tập 4 năm đại học không hề nhỏ. Được biết, chia sẻ với hoàn cảnh của Tú Anh, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An đã cấp học bổng và miễn hoàn toàn học phí 4 năm tại trường.
Tú Anh chia sẻ: “Em nghĩ 4 năm tới sẽ rất khó khăn, nhưng nếu không mạnh dạn thay đổi thì thời gian trôi đi vô nghĩa, cơ hội cũng vuột mất. Em cũng chưa từng than vãn hay oán trách số phận, mà chỉ nghĩ rằng cuộc sống thử thách mình nhiều hơn. Mình không có sức lực, thì chỉ có thể đứng lên bằng nghị lực”. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại