(ĐHVO). Sáng 19/12/2023, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.
Tới dự hội thảo có bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam; ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cùng đại diện các bộ, ban, ngành liên quan và các tổ chức của và vì người khuyết tật.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội chia sẻ, việc tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia thành viên trên thế giới vì trong Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên tham gia trong việc đảm bảo quyền của người khuyết tật. Trong khuôn khổ của buổi hội thảo sẽ tiến hành đánh giá việc triển khai thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về người khuyết tật tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đóng góp các ý kiến vào báo cáo lần I do Vụ pháp chế, bộ Lao động – Thương Binh và xã hội dự thảo, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện quyền của người khuyết tật theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện Công ước.
Bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trình bày tình hình thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật
Về tình hình triển khai thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 185/193 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc ký tham gia và phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật, trong đó có Việt Nam. Bà khẳng định, thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật, Việt Nam xây dựng được mạng lưới chính sách về người khuyết tật theo hướng tích cực và đạt hiệu quả cao.
Đối với kế hoạch thực hiện công ước ở Việt Nam, đến nay Uỷ ban Quốc gia đã ban hành kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017 – 2020; 2021 – 2025; trong đó có 63 tỉnh/ thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước, Chương trình trợ giúp người khuyết tật…và có gần 40 tỉnh/thành phố lập Ban công tác người khuyết tật; một số tỉnh/thành phố lập Ban công tác cấp huyện. Một số chính sách được thiết lập như trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; thực hiện miễn giảm học phí cho người khuyết tật tham gia học tập, học nghề…các chính sách được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã triển khai thực hiện tương đối tốt trên thực tế, góp phần cải thiện đời sống của người khuyết tật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Công ước vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức như việc tiếp cận giao thông, đi lại cho người khuyết tật ở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế; công tác giám sát, đánh giá và tổng hợp số liệu về người khuyết tật trên cả nước và ở từng địa phương còn gặp nhiều bất cập, do người khuyết tật không biết cách làm thủ tục xác nhận tình trạng khuyết tật hay do cán bộ tại các địa phương về hưu hoặc được luân chuyển liên tục nên không thể cập nhật được tình hình liên quan đến người khuyết tật tại địa phương mình….
Bà Phan Thị Thanh Minh, Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện Báo cáo lần thứ I gửi đến Uỷ ban
Tiếp nối chương trình, bà Phan Thị Thanh Minh, Đại diện Vụ pháp chế Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày Báo cáo lần thứ I của Việt Nam về tình hình thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật. Việc lập báo cáo gửi đến Uỷ ban của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc bám theo danh sách câu hỏi của Uỷ ban; đồng thời, cần phải cố gắng trả lời trực tiếp vào từng vấn đề cụ thể để tiện theo dõi; trường hợp chưa đầy đủ thông tin, dữ liệu cần cung cấp những ví dụ, minh chứng rõ ràng.. Bà Thanh Minh cũng chia sẻ, thách thức lớn nhất trong quá trình lập báo cáo đó là thiếu số liệu, thông tin cụ thể vì Việt Nam chưa có công cụ để thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật trong các lĩnh vực cụ thể.
Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật là công ước nhân văn khi đã có 185 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật đồng thời đã nội luật hoá các điều khoản có trong công ước để cho ban hành các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Hệ thống pháp luật cũng như những chính sách hỗ trợ người khuyết tật được ban hành là niềm động viên vô cùng lớn giúp bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ và công bằng tất cả các quyền con người và các quyền tự do.
Hội thảo đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, đồng thời đã chỉ ra những thách thức, khó khăn còn gặp phải trên thực tế. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia được cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực để thúc đẩy thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam một cách hiệu quả.
Hồng Liên