Chuyển đổi công năng trường dạy trẻ khuyết tật: Cần quan tâm phát triển đội ngũ

Ngày 23/11, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức toạ đàm lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật.
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Mục tiêu của quy hoạch là phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Mục đích nhằm đáp ứng cơ hội công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở tất cả địa phương.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% số đơn vị cấp tỉnh có Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, có ít nhất 86 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đi vào hoạt động, trong đó có 4 trung tâm (Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kiên Giang) được đầu tư chức năng chuyên sâu về tổ chức dạy học và giáo dục đối với trẻ/học sinh khuyết tật.

Chuyển đổi là nhân văn, ý nghĩa

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết rất tán thành khi chuyển đổi công năng trường dạy trẻ khuyết tật, bởi vì hiện nay trường đang thực hiện theo hướng dạy trẻ khiếm khuyết có thể nhìn thấy được như khiếm thính và khiếm thị, còn những dạng “khó để nhận dạng” thì không thể vào trường khuyết tật được.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi gia đình chỉ có một đến hai con, y tế ngày càng phát triển, số lượng trẻ khiếm khuyết nhìn thấy được sẽ từ từ giảm đi, trường dạy trẻ khuyết tật sẽ dần giảm quy mô. Trong khi đó, theo bà Huyền, thời đại công nghệ 4.0, trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ khó nhớ và quên ngay… cũng là một dạng khiếm khuyết.

Do vậy khi các trường dạy trẻ khuyết tật chuyển thành các trung tâm có chức năng can thiệp sớm, giáo dục hoà nhập, đồng thời được trang bị các bộ công cụ đánh giá thể trạng khiếm khuyết của trẻ, sẽ giúp trẻ không mất đi giai đoạn vàng để học tiểu học và hoà nhập vào trường bình thường.

Hoạt động lớp học tại Trường dạy trẻ khuyết tật Thành phố Cần Thơ.

Hoạt động lớp học tại Trường dạy trẻ khuyết tật Thành phố Cần Thơ.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho rằng, khi thực hiện các nội dung, mục tiêu chương trình kế hoạch thì nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Không có nguồn nhân lực thì rất khó thực hiện, khó triển khai. Do vậy, bà Huyền kiến nghị chuyên gia nghiên cứu các giải pháp khả thi hơn, cụ thể hơn để các trường cũng như các cấp địa phương dễ dàng thực hiện

Hiện Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi công năng trường dạy trẻ khuyết tật sang hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Khi thực hiện đề án chuyển đổi công năng, Sở đã chủ động cho đội ngũ giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng can thiệp sớm, giáo dục hoà nhập bắt đầu cho trẻ mầm non.
“Cũng khá vất vả khi xây dựng đề án, nhất là thâm nhập thực tế vào trường mầm non, tiểu học, nhưng đến nay Sở đã cơ bản hoàn thành đề án trình UBND tỉnh để chuyển đổi công năng”, bà Huyền chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết việc thành lập cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là việc làm hết sức ý nghĩa và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người yếu thế. Điều này sẽ giúp trẻ em bị khuyết tật có cơ hội học tập cũng như cơ hội phát triển và hoà nhập bản thân với xã hội.

Ngoài ra, theo quy hoạch việc chuyển đổi trường dạy trẻ khuyết tật thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tiếp cận học tập đầy đủ và toàn diện hơn.

Ngoài ra, thầy cô được tiếp cận các phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục hoà nhập, cũng như phát huy năng lực, đặc biệt là được hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật tại các trường mầm non, phổ thông.

Quan tâm đào tạo đội ngũ

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho rằng: Ba thành tố cơ bản xác định sự thành công của cơ sở giáo dục đó chính là đội ngũ, cơ sở vật chất và chương trình. Do vậy, khi thực hiện chuyển đổi, Sở cũng rất băn khoăn về vấn đề đội ngũ cán bộ giáo viên trung tâm sẽ xây dựng như thế nào về số lượng, cơ cấu, đặc biệt là chế độ ưu đãi ra sao để thầy cô yên tâm cống hiến.

Theo ông Tăng, thành phố Cần Thơ có nhiều trung tâm giáo dục trẻ hoà nhập hoạt động hiệu quả và thu hút khá đông trẻ theo học, đặc biệt là trẻ không may bị tự kỷ. Tuy nhiên, trong quy hoạch vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát quy hoạch của thành phố, đồng thời hoàn thiện chuyển Trường dạy trẻ khuyết tật thành phố thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (GDTKT&TECHCKK) phát biểu tại hội nghị.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (GDTKT&TECHCKK) phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, khi thực hiện chương trình GDPT 2018, đội ngũ giáo viên thiếu rất nhiều, đặc biệt chuyên ngành giáo dục khuyết tật. Thời gian qua, Long An đã tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích cũng như có các chính sách hỗ trợ nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Long An cho rằng, chuyển đổi công năng trường khuyết tật sang Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì chức năng đơn vị rộng hơn, đòi hỏi nhiều hơn về nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như trang thiết bị dạy học. Do đó cần phải tính đến vấn đề đào tạo đội ngũ để đảm bảo bộ máy khi tổ chức hoạt động.

Ngoài ra, cơ sở vật chất phải đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng để đầu tư vào giai đoạn này rất khó vì nó liên quan đến đầu tư công. Ông Phúc đề nghị cần nghiên cứu và quan tâm thêm về vấn đề này để mang tính đồng bộ, đảm bảo đầy đủ các nguồn lực, cũng như cơ sở pháp lý, để các trường vận hành trơn tru khi thực hiện chuyển đổi công năng.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo GDTKT&TECHCKK nhấn mạnh: Mục tiêu của quy hoạch là nhà nước, các địa phương sẽ cùng nhau đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật, đảm bảo chạy song song với hệ thống mầm non phổ thông nhằm đảm bảo quyền được học tập của người khuyết tật. Và đây là hệ thống tối thiểu do nhà nước đảm bảo còn lại khuyến khích cơ sở giáo dục chuyên biệt tư thục chung tay cùng phát triển hệ thống giáo dục này.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

 

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang