Chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động khuyết tật

(ĐHVO). Pháp luật Việt Nam có những quy định thuận lợi mang tính nhân đạo sâu sắc trong việc khuyến khích tạo việc làm cho lao động khuyết tật hoặc người khuyết tật tự tạo việc làm. Điều này thúc đẩy, tạo động lực cho người khuyết tật khởi nghiệp, tự nuôi sống bản thân và làm giàu trên “đôi vai” của mình cũng như tạo ra việc làm cho người khuyết tật khác.

Thúc đẩy tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi. Trong đó, gần 80% NKT sống ở vùng nông thôn, hơn 20% sống ở thành phố; trên 60% NKT trong độ tuổi lao động; 54% là nữ khuyết tật, 46% là nam khuyết tật. Thông tin từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.

Như vậy, người khuyết tật là một lực lượng lao động đông đảo, nhu cầu được tiếp cận, vay vốn để tự tạo việc làm, có việc làm ổn định của người khuyết tật vẫn khá lớn. Bởi lẽ, người khuyết tật vẫn có khả năng tham gia sản xuất, lao động, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, mặt khác họ luôn có khao khát được học nghề và tạo việc làm. Bên cạnh đó, không ít người khuyết tật đã vươn lên lập nghiệp, tự tạo việc làm cho mình và cho những người cùng cảnh ngộ khác. Tuy nhiên, trên thực tế, người khuyết tật đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Đáp ứng yêu cầu đó, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành một hệ thống chính sách hỗ trợ người lao động khuyết tật vay vốn ưu đãi tạo việc làm tương đối hoàn chỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn này một cách thuận lợi để tự tạo việc làm và ổn định cuộc sống. Điều 8 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật, cụ thể:

Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây:

a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm;

b) Hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.”

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người khuyết tật. Theo đó, các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người khuyết tật và thu hút thêm người khuyết tật vào làm việc sẽ được xem xét cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.

Chính sách vay vốn ưu đãi đối với người lao động là người khuyết tật

Thứ nhất về mức vay, Điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm quy định:

“1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

  1. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.”.

Như vậy, đối với hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tât theo hình thức hộ kinh doanh cá thể thì được vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với cá nhân người lao động là người khuyết tật được vay mức tối đa là 100 triệu đồng.

Thứ hai, về thời hạn vay vốn, theo quy định của Điều 25 Nghị định 61/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm thì: “Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn”.

Vậy, thời hạn vay vốn căn cứ vào thỏa thuận giữa người khuyết tật, hộ gia đình sử dụng lao động khuyết tật với Ngân hàng chính sách. Thời hạn vay vốn không quá 120 tháng (10 năm). Trong tương quan so sánh với giai đoạn trước năm 2019 thì mức vốn, thời hạn cho vay đã được điều chỉnh tăng gấp đôi, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của người khuyết tật, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen” cũng như tăng cơ hội thu hồi vốn và lợi nhuận, kịp hoàn vốn trả nợ, qua đó cũng tăng chất lượng tín dụng chính sách.

Thứ ba về lãi suất vay vốn, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ thường thấp (từ khoảng 5% đến 8 %/ 1 năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.

Thứ tư về hồ sơ cho vay vốn gồm:

Đối với người lao động khuyết tật, hồ sơ vay vốn bao gồm 02 loại giấy tờ là Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 1 Nghị định 104/2022/NĐ-CP và bản sao Giấy xác nhận khuyết tật.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn gồm:

– Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP;

– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; hợp đồng hợp tác; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

– Giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Luật việc làm (sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số): Danh sách lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người lao động là người khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp, bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động là người dân tộc thiểu số và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách.

Hồ sơ vay vốn được gửi một bộ tại Ngân hàng chính sách từng địa phương, tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng sẽ ưu tiên cho người khuyết tật, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tât vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn đáo hạn lâu dài hơn so với các hợp đồng vay thông thường. Quy trình cho vay cũng được giản lược hơn (chẳng hạn như bỏ bước thẩm định dự án vay vốn của tổ chức chính trị – xã hội) nhằm giảm bớt thời gian, công sức thực hiện thủ tục, tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nhất có thể.

Thực trạng triển khai và vướng mắc trong công tác thực thi chính sách

Hệ thống chính sách hỗ trợ người lao động khuyết tật vay vốn ưu đãi tạo việc làm tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và toàn diện. Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190 phê duyệt Chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 có 300 nghìn người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho người khuyết tật tại sáu vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Phấn đấu hỗ trợ 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế, tạo việc làm.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn, thách thức, phần lớn người khuyết tật vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Thực tế, người khuyết tật không nắm được thông tin, kiến thức về các chính sách pháp luật, chính sách ưu đãi của Nhà nước về nguồn vốn vay ưu đãi nên không tiếp cận được với nguồn vốn. Một số đối tượng muốn tiếp cận nguồn vốn thì thường gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục, giấy tờ hành chính cùng với đó là vướng mắc xuất phát từ khâu xét duyệt đối tượng người vay tại các ngân hàng chính sách. Bởi lẽ, các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể nhưng chưa thực hiện ủy thác cho Hội Người khuyết tật. Do vậy, ngoại trừ người khuyết tật là thành viên và vay vốn thông qua Hội Người mù, những người khuyết tật còn lại mất đi cơ hội được bảo lãnh qua hội nhóm của mình mà phải vay vốn thông qua đoàn thể khác. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng là mặc dù thủ tục cho vay trên quy định được đánh giá là khá đơn giản, song thực tế người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi mà để được nộp hồ sơ vay vốn, họ bắt buộc phải là hội viên của một trong các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương (Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân…) và gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đó. Trong khi đó, phần lớn hội viên Hội người khuyết tật lại chưa là hội viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các hội đoàn thể này. Điều đó đã trở thành rào cản khiến nhiều người khuyết tật khó tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi. Mặt khác, đa số người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, đã có không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi, phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí xoá nợ. Đây chính là điểm bất lợi khi các ngân hàng chính sách cân nhắc trước mỗi cơ hội vay vốn dành cho người khuyết tật.

 Để có thể giải quyết thực trạng trên, công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi hơn các chính sách hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả lan truyền. Trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay, cần có chính sách hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ khi người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận được vốn vay ưu đãi, cần bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật qua cơ chế ủy thác cho hội nhóm của người khuyết tật (Hội Người khuyết tật). Về phía cơ quan, ban ngành xem xét có chính sách bổ sung nguồn vốn để mở rộng phạm vi, điều kiện cho vay nhằm giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách, trong đó có người khuyết tật…

Thiết nghĩ, người khuyết tật rất cần sự chung tay góp sức hơn nữa từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người khuyết tật, giải quyết vấn đề việc làm của người khuyết tật, phát huy nguồn lực lao động tiềm năng và giúp cộng đồng người khuyết tật hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture1

Nam Định công bố quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Trung Thành

Picture1

Nam Định: Tạo động lực phát triển mới từ sắp sếp đơn vị hành chính  

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Picture2

ĐỂ CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT SÁT THỰC TẾ

1.3

Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ năm 2024: Mỗi ngọn nến thắp sáng – Vạn tấm lòng tri ân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang