Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Việc trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân không phải là con đường duy nhất để nói lên tiếng nói của người khuyết tật. Và trong những năm qua đã chứng minh dù không có nhiều đại biểu dân cử là người khuyết tật nhưng những chính sách liên quan đến người khuyết tật vẫn được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cũng như được triển khai hiệu quả. Thế nhưng, nếu có nhiều hơn đại biểu dân cử là người khuyết tật thì các chính sách được xây dựng, triển khai sẽ kịp thời và hiệu quả hơn bởi không ai hiểu vấn đề của người khuyết tật hơn chính bản thân người khuyết tật. Bên cạnh đó, còn có thể là tiếng nói đại diện cho các nhóm dễ bị lề hóa, các đối tượng yếu thế khác…  

Đoàn đại biểu người khuyết tật chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong buổi thăm quan Tòa nhà Quốc hội nhân kỷ niệm 03/12/2019

Theo kết quả của cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trong đó, khuyết tật vận động chiếm 29,41%; khuyết tật nghe nói 9,32%; khuyết tật nhìn 13,84%; khuyết tật thần kinh, tâm thần 16,83%; khuyết tật trí tuệ 6,52% và khuyết tật khác 24,08%; gần 80% người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, hơn 20% sống ở thành phố; trên 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động; 58% là nữ khuyết tật, 42% là nam khuyết tật. Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và làm gia tăng tình trạng khuyết tật như hậu quả chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thiên tai, già hóa dân số và gia tăng các bệnh mãn tính không lây nhiễm… Theo một số số liệu khác cũng đang được sử dụng thì hiện Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật cùng một số tài liệu tham khảo dự đoán Việt Nam có thể có từ 10-15% dân số là người khuyết tật.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người khuyết tật đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là kể từ khi có Pháp lệnh Người tàn tật 1998; Luật Người khuyết tật 2010; Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020; Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; việc tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2006 và việc phê chuẩn với 100% tán thành đồng thời không bảo lưu bất cứ điều khoản nào của Công ước năm 2014…; đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với Chỉ thị 51/CT-TW ngày 12/4/1989 của Ban Bí thư và hiện nay là Chỉ thị 39/CT-TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật…. sự nhìn nhận, cách suy nghĩ của cộng đồng xã hội về người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực, nhận thức của người khuyết tật ngày càng được nâng cao; các hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã chuyển từ tình thương, lòng thương hại sang hướng tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật… Từ đó, không chỉ công nhận người khuyết tật là một bộ phận không thể tách rời, là sự đa dạng của cuộc sống mà còn góp phần từng bước khiến các rào cản đối với người khuyết tật dần được gỡ bỏ, người khuyết tật từng bước được hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng và trên mọi phương diện của đời sống xã hội .

Có thể nói, Việt Nam là một trong các quốc gia đã sớm quan tâm đến quyền con người trong đó bao gồm quyền của người khuyết tật. Các bản Hiến Pháp từ năm 1946 đến năm 2013 đều công nhận quyền của người khuyết tật. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ các chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại các bộ luật, luật và văn bản dưới luật. Hằng năm, Chính phủ cũng bố trí nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ NKT.

          Có thể kể đến nhiều kết quả đáng mừng như: 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được trợ cấp hàng tháng và nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hỗ trợ tối đa (điều mà không phải nhiều quốc gia đang phát triển làm được); được miễn giảm khi sử dụng các phương tiện giao thông, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; được học nghề miễn phí và hỗ trợ tạo việc làm; được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục với nhiều chính sách ưu đãi; khả năng tiếp cận của người khuyết tật vào xã hội ngày càng hoàn thiện và toàn diện; người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện và khẳng định bản thân…. Nói cách khác, người khuyết tật Việt Nam ngày càng được quan tâm và được trao nhiều cơ hội hơn để tham gia “bình đẳng” vào đầy đủ các trụ cột kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội.

Đoàn đại biểu người khuyết tật thăm quan Tòa nhà Quốc hội năm 2019

          Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đó là rào cản khiến người khuyết tật chưa thực hiện được đầy đủ các quyền con người cũng như quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Có thể kể đến trong việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử, chủ yếu người khuyết tật dường như mới chỉ thực hiện “một nửa quyền” của mình là quyền bầu cử. Nguyên nhân có thể xuất phát từ chính người khuyết tật khi còn thiếu tự tin; chưa biết cách tự ứng cử hoặc để được đề cử; không tin vào việc cộng đồng sẽ bỏ phiếu cho mình; chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đại biểu; hay chưa thực sự quan tâm nhiều hoặc biết đến đồng thời thực hiện quyền ứng cử của bản thân.… Cùng với đó là một số nguyên nhân khách quan như: Chưa nhận thức đầy đủ về khả năng của người khuyết tật; tâm lý e ngại đại biểu là người khuyết tật khó khăn do các vấn đề khuyết tật mang lại; các rào cản thực tế như tiếp cận công trình, đi lại… làm ảnh hưởng đến sự tham gia ứng cử của người khuyết tật; vấn đề quy định còn vướng như hướng dẫn liên quan đến vấn đề sức khỏe cần phải được làm rõ hơn giúp người khuyết tật thuận lợi thực hiện quyền của mình…

Trên thực tế, cũng đã có đại biểu Quốc hội và HĐND là người khuyết tật nhưng chưa nhiều, và đa số cũng không mang tính đại diện cho người khuyết tật. Họ có thể là thương binh hay người “ẩn giấu” đi khuyết tật của mình. Cùng với đó, cũng đã có những người khuyết tật đã tự ứng cử với khao khát trở thành đại diện của cộng đồng người khuyết tật như anh Nguyễn Công Hùng, cố Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống; anh Lê Ngọc Hoàn đến từ Hội Người mù tỉnh Lạng Sơn…

Mặc dù, hiện nay, tuy người khuyết tật không có nhiều đại diện trong các cơ quan dân cử nhưng về cơ bản tiếng nói của họ vẫn được đảm bảo, sự quan tâm và các chính sách vẫn được ban hành và thực thi đầy đủ… Tuy nhiên, cùng với sự vận động và phát triển, nhất là đảm bảo chính sách ban hành thiết thực, việc thực hiện đạt hiệu quả cao, người khuyết tật vẫn rất cần có nhiều hơn các đại diện của mình tại các cơ quan dân cử. Bởi, không ai hiểu vấn đề của người khuyết tật hơn chính bản thân người khuyết tật.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể đồng cảm, sẻ chia các vấn đề mà các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội (người già, trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số…) đang gặp phải cũng như các vấn đề của người thân trong gia đình, bạn bè hay các mối quan hệ trải qua. Nghĩa là, người khuyết tật cũng đang trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia mọi hoạt động của đời sống xã hội, do đó, tính đại diện của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử là một điều hết sức cần thiết. Không những vậy, còn hiện thực những giá trị hết sức ý nghĩa và phương châm hòa nhập bình đẳng và đầy đủ trong các hoạt động của đời sống xã hội trên tất cả các trụ cột chính; cũng như giá trị cốt lõi là sự tham gia của tất cả mọi người trong tất cả các hoạt động để không ai bị bỏ lại phía sau.

Không những vậy, việc người khuyết tật trở thành đại biểu trong các cơ quan dân cử sẽ đem lại những lợi ích rất to lớn, có thể kể đến như:

  1. Có đại diện tiếng nói cho khoảng gần 1/10 dân số cả nước trong cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước và địa phương, cũng như có thể đại diện cho các nhóm dễ bị tổn thương, dễ bị lề hóa khác trong xã hội mà tổng số có thể lên tới vài chục % dân số.
  2. Thể hiện sự đa dạng và đầy đủ các thành phần đại biểu, đối tượng xã hội trong các cơ quan dân cử.
  3. Trao quyền, nâng cao vị thế và hình ảnh của người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lực và những rào cản mà người khuyết tật đang đối mặt.
  4. Nâng cao tính bao trùm và hiệu quả của việc ban hành quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho mọi nhóm dân số, đặc biệt những nhóm dễ bị lề hóa nhất.
  5. Tăng cường chất lượng công tác giám sát, ban hành quyết sách, đánh giá các tác động xã hội.
  6. Truyền động lực, cảm hứng và niềm tin về một xã hội công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người.
  7. Đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tăng cường hình ảnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần đấu tranh đập tan mọi luận điệu xuyên tạc làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp

Bởi, người khuyết tật cũng có kinh nghiệm phong phú từ thực tế, thấu hiểu cả những vấn đề của đa dạng các thành phần như phụ nữ, thanh niên, trẻ em, dân tộc cùng các nhóm dễ bị tổn thương khác vì đây là nhóm đối tượng phủ rộng, nằm trong tất cả các thành phần đối tượng trong xã hội và phải chịu đa tác động/tác động đa tầng cũng như dễ bị tổn thương nhiều hơn trong nhiều hoàn cảnh.

Một Hội thảo trao đổi về những cơ hội, thách thức và giải pháp liên quan đến quyền tham gia chính trị của người khuyết tật Việt Nam được UNDP tổ chức năm 2021

          Theo một số nghiên cứu, khảo sát như đánh giá nhanh của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam về mức độ sẵn sàng ứng cử của người khuyết tật vào các cơ quan dân cử đã được công bố năm 2021 với sự tham gia của 111 người khuyết tật[1], Có đến 98,2% người khuyết tật mong muốn có đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là người khuyết tật. Đánh giá cũng cho thấy 71% người khuyết tật được khảo sát mong muốn trở thành đại biểu dân cử, trong đó số người mong muốn đã sẵn sàng tự ứng cử chiếm tới 62%. Mặc dù đây chỉ là một đánh giá nhanh với số lượng khảo sát hạn chế, nó đã phần nào chứng minh nhu cầu, sự tự tin và khả năng của người khuyết tật trở thành đại biểu cho cộng đồng của họ trong các cơ quan dân cử.

Cũng theo những đánh giá định tính qua nhiều giai đoạn, phát hiện rằng, với những người đã có thời gian dài, thường xuyên tiếp xúc với người khuyết tật thì có trên 80% sẵn sàng ủng hộ người khuyết tật tham gia các cơ quan dân cử.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây nhất, có quy mô rộng hơn của ThS. Nguyễn Minh Châu, một chuyên gia trong lĩnh vực hòa nhập người khuyết tật thực hiện cho nghiên cứu của mình cho thấy: Tính từ tháng 4/2024 đến tháng 8/2024 có khoảng 800 người ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo viên, luật sư, luật gia, người lao động tự do, sinh viên… tham gia khảo sát về mức độ sẵn sàng ủng hộ người khuyết tật khi tham gia ứng cử đã cho một kết quả rất khả quan. Có gần 70% người tham gia khảo sát sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ người khuyết tật khi họ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với một đại biểu dân cử. Đồng thời, khảo sát cũng cho thấy một số kết quả khác như khi đáp được các yêu cầu, người khuyết tật không chỉ có thể tham gia ứng cử mà cũng có thể được để cử để có thể trở thành một đại biểu dân cử với đầy đủ khả năng và kỹ năng của họ.

          Bên cạnh đó, tại các chương trình, tọa đàm, các buổi họp trong lĩnh vực người khuyết tật cũng ghi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các đại diện của các tổ chức của và vì người khuyết tật và chính bản thân người khuyết tật thể hiện mong muốn có đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân là đại diện cho các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng như là chính người khuyết tật. Các quan điểm được đưa ra cho mong muốn đó là cần tiếng nói cho một cộng đồng có tỷ lệ tương đối cao; đồng thời cũng có thể thêm tiếng nói đại diện cho các nhóm khác trong cộng đồng như phụ nữ, thanh niên, trẻ em, người cao tuổi… Ngoài ra, hiện nay rất nhiều tổ chức của và vì người khuyết tật là thành viên của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để xem xét, giới thiệu người khuyết tật đủ điều kiện, tiêu chuẩn có thể trở thành đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Cùng với đó, từ việc thụ hưởng từ chủ trương, đường lối, quy định pháp luật và các chính sách hỗ trợ, người khuyết tật hiện nay đã hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đại biểu dân cử. Tuy vậy, riêng đối với tiêu chí về “điều kiện sức khỏe” hiện còn có nhiều quan điểm chưa đồng nhất, nhiều ý kiến cho rằng người khuyết tật không đáp ứng tiêu chí này do còn những hiểu lầm giữa “tình trạng khuyết tật” và “bệnh tật”.

Người khuyết tật tham gia các lớp tập huấn về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng một số kỹ năng cơ bản

Căn cứ vào khung chính sách, thực tế xã hội và những mong muốn của người khuyết tật, những người trong cộng đồng ủng hộ cho tiếng nói đại diện của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử; những giá trị và lợi ích mà người khuyết tật sẽ mang lại trên cương vị, vai trò là một đại biểu dân cử; những tác động nhất định đối với người khuyết tật nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung, rất cần nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan trong vấn đề này.

Theo đó, đề nghị Ban Chấp hành TW Đảng; Quốc hội; TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và  các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể liên quan quan tâm, xem xét và có những hướng dẫn, chỉ đạo tạo điều kiện để người khuyết tật được đề cử cũng như khuyến khích, tạo động lực cho người khuyết tật chủ động tự ứng cử trở thành đại biểu dân cử, đại biểu của Nhân dân, góp phần nói lên tiếng nói của Nhân dân, cụ thể:

  1. Có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí sức khỏe để đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật trong việc ứng cử. Bởi hiện nay, theo quy định tại Quyết định 1266/QĐ-BYT ngày 21/3/2020 của Bộ Y tế thì người khuyết tật khó có thể đảm bảo được tiêu chí sức khỏe trong khi những vấn đề của người khuyết tật bản chất không làm ảnh hưởng nhiều thậm chí là không có bất kỳ rào cản nào trong việc họ có thể trở thành đại biểu cũng như làm tốt vai trò của một đại biểu của Nhân dân. Chính vì vậy, khuyến nghị cần có một buổi tọa đàm giữa Bộ Y tế, cùng các bên liên quan để có thể làm rõ và có những hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận đầy đủ quyền ứng cử của công dân.
  2. Nghiên cứu, đánh giá, khảo sát thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng và khả năng trở thành đại biểu của người khuyết tật. Đối với hoạt động này, mong muốn TW MTTQ Việt Nam cùng UB Thường vụ Quốc hội sẽ có những hoạt động mang tính chính danh để có thể có kết quả chính xác đồng thời trên cơ sở đó có những giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan đến việc người khuyết tật tham gia ứng cử, bầu cử cũng như các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
  3. Có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền quan tâm và tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội được đề cử cũng như tham gia ứng cử. Cụ thể là có văn bản đến hướng dẫn, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, giới thiệu đến các tổ chức chính trị, xã hội, xã hội nghề nghiệp cùng các bên liên quan để phối hợp hiệu quả, nhất là đối với các chính quyền địa phương, các tổ chức cơ sở ở các tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã và các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tổ chức của và vì người khuyết tật…. Qua đó, thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn thực tế từ địa phương đối với hoạt động tham gia ứng cử của người khuyết tật giống như các nhóm đối tượng khác là phụ nữ, thanh niên, dân tộc thiểu số để đảm bảo tiếng nói bình đẳng cũng như sự tham gia đầy đủ của các nhóm đối tượng trong xã hội trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
  4. Tạo điều kiện có cho người khuyết tật tham dự các buổi tiếp xúc cử tri hay thăm quan các buổi họp; tổ chức những phiên họp giả định như đã tổ chức cho trẻ em để người khuyết tật có thể hình dung và hiểu chính xác hơn vai trò cũng như công việc cụ thể của một đại biểu dân cử; thúc đẩy, khích lệ ngày càng có nhiều người khuyết tật nỗ lực, phấn đấu để đảm bảo đủ điều kiện và có thể chủ động tham gia ứng cử cũng như cố gắng để được đề cử.
  5. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên… từ Trung ương đến địa phương, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ và giới thiệu các ứng viên là người khuyết tật đang trực tiếp tham gia hoạt động tại các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương.
  6. Có cơ chế, giải pháp tạo điều kiện để các tổ chức của và vì người khuyết tật bồi dưỡng, đào tạo và giới thiệu người khuyết tật phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu tham gia ứng cử; giới thiệu cho các tổ chức để đề cử những người này có thể trở thành đại biểu dân cử.

Là một quốc gia luôn quan tâm đến sự công bằng, bình đẳng, dân chủ, văn minh và đã có nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo sự tham gia đầy đủ cũng như gia tăng số lượng của các thành phần thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và các thành phần khác trong cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội cùng Hội đồng nhân dân các cấp, tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp, ngành, cộng đồng người khuyết tật sẽ sớm thực hiện được ước mơ và mong muốn của mình. Và quan trọng hơn, với sự tham gia ngày càng đầy đủ của các thành phần cũng như các nhóm đối tượng trong xã hội, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ ngày càng làm tốt vai trò của mình trong công tác ban hành pháp luật; quyết sách quan trọng; giám sát thực thi; đại diện tiếng nói của Nhân dân nói chung, các thành phần, nhóm đối tượng trong xã hội nói riêng…

Huy Hùng

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Picture1

CLB Nhân ái Tâm Thanh và các tình nguyện viên của CLB Thiện nguyện Đồng Hành Việt – Công ty Luật HILAP tổ chức phát cơm từ thiện tại Bệnh viện K Tân Triều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang