Tuy chưa có báo cáo đầy đủ, chi tiết và chính thức từ các tổ chức của và vì người khuyết tật nhưng từ tổng hợp thông tin ban đầu của một số tổ chức này cũng như các thông tin từ các cá nhân người khuyết tật trong vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi và lũ quét vừa qua cho thấy đã có hàng trăm người khuyết tật đã bị ảnh hưởng và có những trường hợp phải chịu nhiều hậu quả do thiên tai. Và cũng từ các nguồn thông tin này cho thấy sự quan tâm, kịp thời của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã hỗ trợ kịp thời người khuyết tật trong hoạt động phòng chống cũng như khắc phục các hậu quả sau bão; góp phần giảm thiểu các thiệt hại…
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Theo một số kết quả các nghiên cứu và thực tế cũng cho thấy rằng công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và các vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả sau thiên tai cho người khuyết tật là một trong những việc khó khăn nhất cũng như cần được sự quan tâm và hỗ trợ với các giải pháp phù hợp. Bởi một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các nội dung đó chính là những đặc trưng của người khuyết tật với đa dạng khuyết tật, ở nhiều mức độ khác nhau. Trong khi đó, thiên tai ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường đồng thời bối cảnh diễn ra các hoạt động cũng gặp rất nhiều vấn đề như: Tính bất ngờ; sự chủ động; mức độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, làm việc đối với người khuyết tật; khả năng giao tiếp của người khuyết tật, vấn đề tiếp cận…
Chính vì vậy, phòng tránh rủi ro thiên tai đối với người khuyết tật và các vấn đề liên quan là điều vô cùng cần thiết và cấp bách. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ, có nhiều giải pháp trong hoạt động này (Đề án phòng tránh rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tài liệu hướng dẫn “Lồng ghép – hoà nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”…) nhưng trên thực tế thì việc phòng tránh rủi ro đối với người khuyết tật vẫn cần được quan tâm và ưu tiên nhiều hơn nữa trong sự vận động và thay đổi của xã hội cũng như đáp ứng như cầu thực tiễn.
Trong đó có thể kể đến một số vấn đề cần lưu tâm nhiều hơn như: Bố trí các địa điểm sơ tán tạm thời; các vấn đề liên quan đến tiếp cận không chỉ ở nơi tránh trú an toàn mà còn đảm bảo tiếp cận được từ nhà đến nơi tránh trú hay các cơ sở y tế, các địa điểm sơ tán; đảm bảo tiếp cận các cơ sở vật chất tại đây như nhà vệ sinh hay có những không gian riêng tư cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt… Bên cạnh đó, việc đảm bảo tiếp cận thông tin như cảnh báo sớm, công tác phòng tránh hay các vấn đề liên quan cũng rất cần được quan tâm nhiều hơn và có giải pháp thực hiện đồng bộ nhất là đối với những đối tượng cần trợ giúp đặc biệt hay cần có người trợ giúp trong thời điểm đó như người khiếm thính, người khiếm thị, vận động, nhận thức kém… bằng việc thông báo bằng loa đài, phát thanh hướng dẫn chi tiết, bố trí lực lượng hỗ trợ đầy đủ, có các loại tài liệu, biển báo hướng dẫn phù hợp với các đặc trưng của người khuyết tật.
Ngoài ra, các vấn đề khác cũng cần được quan tâm và đó cũng có thể coi đó là những giải pháp hiệu quả trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật phòng tránh thiên tai. Có thể kể đến như: Công tác giáo dục, phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng phòng tránh thiên tai hay các giải pháp đối phó trong tình huống thiên tai phù hợp với người khuyết tật (có thể tham khảo và chia sẻ rộng rãi nhiều hơn các nội dung phù hợp với đặc trưng địa phương, các nhóm đối tượng khuyết tật… trong tài liệu hướng dẫn “Lồng ghép – hoà nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến đa dạng đối tượng trong xã hội); nâng cao nhận thức cũng như năng lực cho người khuyết tật nhất là gia đình và cộng đồng trong việc phòng tránh thiên tai đối với người khuyết tật; tăng cường vai trò của các tổ chức hội, nhóm, câu lạc bộ của người khuyết tật tại địa phương trong công tác này; có sự chuẩn bị sớm cũng như các giải pháp sau thiên tai nhất là các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý, điều kiện, cơ sở vật chất, tài chính… giúp người khuyết tật ổn định và đảm bảo thích ứng. Cùng với đó là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, chính sách trong hoạt động này cho phù hợp với thực tế hiện nay cũng là một giải pháp rất hữu ích và góp phần hiệu quả trong phòng tránh thiên tai.
Và một trong những giải pháp quan trọng và vô cùng hữu hiệu đó chính là có sự tham gia của đại diện nhóm đối tượng này trong các nội dung liên quan đến phòng tránh rủi ro thiên tai bởi không ai hiểu vấn đề của họ hơn chính bản thân họ. Từ đó, sẽ giúp công tác phòng tránh rủi ro thiên tai đối với người khuyết tật thực sự hiệu quả. Như Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi từng chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” vào năm 2022 cũng khẳng định: “Người khuyết tật có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nếu các địa phương lồng ghép kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì người khuyết tật có thể tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch này một cách hài hòa và bền vững.”
Đoàn Đại biểu thăm quan mô hình Điểm tránh trú thiên tai tại thôn Đồng Chạo
Có thể thấy rằng, người khuyết tật là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều hậu quả trong thiên tai như mưa bão, lũ lụt, sạt lở, động đất… do những đặc trưng của khuyết tật (khó khăn về vận động, nghe nói, nhìn, cảm nhận, nhận thức…) lại gặp phải thêm nhiều rào cản hơn do thiên tai mang đến. Họ cũng dễ gặp nguy hiểm hơn do hạn chế về tiếp cận thông tin cảnh báo và dễ bị “lãng quên hoặc bỏ rơi” trong các tình huống cấp bách. Do đó, phòng tránh rủi ro và thiên tai đối với người khuyết tật hay lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong công tác phòng tránh rủi ro thiên tai không chỉ là một nhiệm vụ hay việc bảo vệ quyền lợi mà còn là đảm bảo cho một xã hội công bằng, hòa nhập và phát triển bền vững. Chính vì vậy việc lồng ghép người khuyết tật trong các kế hoạch ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như sự tham gia trực tiếp của người khuyết tật trong vấn đề này sẽ góp phần đảm bảo người khuyết tật có thể: Chủ động, tăng cường khả năng tự bảo vệ, góp phần đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu thiệt hại, và tự tin ngay trong những thời điểm khó khăn nhất… Đây cũng chính là hành động thiết thực để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau dẫu trong bất cứ bối cảnh, hoàn cảnh nào.
Tạm kết
Việc đưa ra và đánh giá những thực trạng hiện tại cùng nghiên cứu những giải pháp phù hợp không chỉ hỗ trợ người khuyết tật nói riêng, các nhóm đối tượng nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế nói chung không chỉ là vấn đề ứng phó với thiên tai mà nó còn đang góp phần thúc đẩy một xã hội hòa nhập và bền vững khi tất cả mọi đối tượng của xã hội đều có thể tham gia cũng như góp phần thực hiện tốt mọi vấn đề cùng những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, các giải pháp phòng tránh rủi ro thiên tai cho người khuyết tật nhất là trong việc dựa vào cộng đồng rất cần tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thông tin tiếp cận, nâng cao năng lực của cộng đồng và các chính sách liên quan; đồng thời đảm bảo rằng người khuyết tật được hỗ trợ đầy đủ cả trước, trong và sau thiên tai. Việc tích hợp nhu cầu của người khuyết tật vào chiến lược quản lý rủi ro thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các tình huống khẩn cấp cũng như đảm bảo sự hòa nhập, bình đẳng của tất cả mọi đối tượng trong xã hội cũng như trên mọi phương diện!
Tuệ Lâm- Tuệ An