Trong những năm qua, người khuyết tật (NKT) nói riêng và toàn xã hội nói chung đã khá quen với các thuật ngữ như điều chỉnh hợp lý, thiết kế phổ quát hay thậm chí là nắm rõ việc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN10/2014), công trình đảm bảo tiếp cận… và có những khuyến nghị, đề xuất để đảm bảo một môi trường tiếp cận trên mọi phương diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, NKT và gia đình NKT cũng như cộng đồng xã hội cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc điều chỉnh môi trường sống, nhà ở đối với người khuyết tật. Bởi, việc cải tạo đảm bảo tiếp cận không đơn thuần chỉ để NKT sử dụng mà còn thuận lợi cho các đối tượng khác như người già, trẻ em, phụ nữ có thai….
Nếu như chúng ta hay chính bản thân người khuyết tật chỉ quan tâm đến việc chỉnh sửa hay điều chỉnh các yếu tố công cộng mà bỏ quên, bỏ qua hay bỏ sót những yếu tố ngay bên cạnh người khuyết tật cũng như người già, trẻ nhỏ, tại chính nơi cư trú thì có thể các đối tượng yếu thế đó, đặc biệt là nhóm đối tượng người khuyết tật đang bị cô lập ngay từ trong chính căn nhà của họ. Đó cũng có thể là một sự phân biệt, kỳ thị dẫu rằng điều đó chỉ là sự vô ý trong nhận thức.
Thực tế, việc điều chỉnh môi trường sống, nhà ở đảm bảo cho người khuyết tật đã được “luật hóa” trong khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật tại điểm a khoản 1 Điều 9. Gần đây nhất là được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật Khám chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và những quy định liên quan đến vấn đề này cũng có thể sẽ xuất hiện trong nhiều dự thảo văn bản pháp luật mới trong tương lai, từng bước ngày càng hoàn thiện các quy định về thể chế và chính sách đối với người khuyết tật, góp phần đảm bảo sự công bằng cũng như tạo cơ chế pháp lý, hành lang trong việc thực hiện các chính sách, quy định về người khuyết tật. Cụ thể:
Điều 9 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật quy định về khả năng tiếp cận, nêu rõ:
- Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc, trong đó có các công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc, và các vật dụng và dịch vụ khác dành cho công chúng, ở cả thành thị và nông thôn. Các biện pháp này, trong đó có phát hiện và loại bỏ những cản trở và chướng ngại đối với sự tiếp cận, sẽ áp dụng trước hết đối với:
-
-
-
- Tòa nhà, đường sá, giao thông và các công trình, cơ sở vật chất trong nhà và bên ngoài khác, trong đó có trường học, nhà ở, cơ sở y tế và nơi làm việc;
….
-
-
Khoản 2 Điều 68 Luật Khám chữa bệnh 2023 quy định về hoạt động phục hồi chức năng bao gồm:
- Khám, chẩn đoán, xác định nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh;
- Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác;
- Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng;
- Điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe;
- Tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật.
Rõ ràng văn bản pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế đều có những nội dung về điều chỉnh môi trường sống bao gồm cả môi trường nhà ở và đó như là một cơ sở hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện những hoạt động điều chỉnh phù hợp với người khuyết tật.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo tại bộ Hướng dẫn về nhà ở và sứ khỏe, WHO, 2018 WHO Housing and health guidelines ISBN 978-92-4-155037-6 của Tổ chức y tế thế giới cho rằng: Cần điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống giúp người khuyết tật sống khỏe hơn và độc lập hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Vậy điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống/nhà ở là gì. Đó chính là các can thiệp về môi trường trong nhà và xung quanh nhà, lớn hoặc nhỏ, tạm thời hoặc lâu dài để người khuyết tật có thể sống khỏe mạnh, không bị hạn chế tại ngôi nhà của mình, và nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân và xã hội.
Có thể hiểu một cách khái quát, việc điều chỉnh môi trường sống, nhà ở của người khuyết tật được chia làm 2 cấp độ: Điều chỉnh đơn giản và điều chỉnh phức tạp. Trong đó:
- Điều chỉnh đơn giản là những điều chỉnh có thể dễ dàng thực hiện được, không phải can thiệp quá sâu vào cấu trúc, thiết kế hay phải thay đổi đặc tính của ngôi nhà, với vật liệu sẵn có, dễ tìm kiếm và thường không phải mất quá nhiều chi phí như: Lắp thêm thanh tay vịn; thay đổi vị trí công tắc điện; bắt thêm bóng đèn; đổi chiều bản lề cửa nhà vệ sinh đảm bảo NKT thuận tiện khi mở và tiếp cận; bố trí thêm các giá treo hay tủ nhỏ chứa đồ bên cạnh vị trí NKT sinh hoạt thường xuyên…
Ảnh minh họa
- Điều chỉnh phức tạp có thể hiểu nôm na là những điều chỉnh thường sẽ phải đầu tư thời gian và kinh phí lớn hơn hoặc có thể phải làm thay đổi cấu trúc, kiến trúc như: Xây dựng hệ thống dốc; cải tạo nhà vệ sinh, thay bồn cầu, làm lại sàn nhà; hạ thấp bệ bếp, tủ treo; mở rộng hành lang đi lại, cửa ra vào; lắp đặt một chuỗi hệ thống tay vịn hay bổ sung cách gờ dẫn đường…
Việc thực hiện các điều chỉnh dù đơn giản hay phức tạp đều cần đảm bảo các yếu tố cơ bản như yếu tố an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp cho người sử dụng; tiếp cận thuận lợi… đặc biệt là chi phí phù hợp với khả năng kinh tế. Bởi lẽ, việc điều chỉnh môi trường sống xung quanh về cơ bản hoàn toàn có thể được thực hiện bởi chính người khuyết tật và gia đình của người khuyết tật với những vật liệu sẵn có.
Có thể lấy ví dụ như việc điều chỉnh ổ điện, phích cắm thuận lợi nhưng phải đảm bảo an toàn; cải tạo bậc thềm bằng cách thêm đường dốc nhưng cần lưu ý tạo mặt nhám, chống trơn trượt hay gắn thêm thanh vịn chắc chắn, độ dốc phù hợp, không được quá dốc; cải tạo nhà vệ sinh như thay bệ xổm thành bệt ngồi cũng cần lưu ý việc lắp thanh vịn đảm bảo chắc chắn, cải tạo mặt sàn chống trơn trượt, cần thiết tạo mặt phẳng; cải tạo bệ bếp cũng cần lưu ý vị trí đặt bồn rửa, bếp, chạn bát, thiết kế những dấu hiệu cảnh báo… thay vì đơn thuần chỉ là việc hạ thấp bệ bếp….
Đồng thời, việc điều chỉnh không yêu cầu phải thực hiện mọi việc trong cùng một lúc, ngay tức thì mà đó là một chuỗi hoạt động được thay đổi dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng cũng như căn cứ vào nhu cầu của từng cá nhân, đối tượng hướng đến và phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh, giai đoạn.
Quy trình điều chỉnh có thể theo mô hình sau: Người khuyết tật và gia đình người khuyết tật đánh giá thực trạng và nhu cầu. Trên cơ sở đó có phương án chỉnh sửa phù hợp hoặc thống nhất phương án chỉnh sửa để có một giải pháp tối ưu, hiệu quả. Rồi triển khai, chỉnh sửa theo phương án đã thống nhất đồng thời có thể điều chỉnh thêm cho phù hợp và tiện ích cũng như khai thác tối đa hiệu quả của việc điều chỉnh dựa theo tình hình thực tế. Sau khi hoàn thiện việc điều chỉnh, sẽ là bước nghiệm thu sản phẩm và cuối cùng là đánh giá lại cùng những kết quả sau một thời gian sử dụng. Qua đó, có thể tiếp tục điều chỉnh thêm cho phù hợp với thực tế nhu cầu và giai đoạn, đảm bảo việc điều chỉnh hợp lý nhất với người sử dụng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, an toàn thì mỗi người tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh thực tế của gia đình để lên phương án tối ưu như có thể tự thực hiện hoặc thuê đơn vị thiết kế; chưa làm được lâu dài thì có thể điều chỉnh tạm thời, trước mắt để giải quyết các nhu cầu cần thiết, cấp bách. Bên cạnh đó là tham khảo các mô hình đã được thực hiện, nghiên cứu thêm về các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để có thêm cơ sở thưc hiện như QCVN10:2014/BXD – Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng
Thực tế cho thấy, nếu người khuyết tật gỡ bỏ được rào cản thì bản thân họ chỉ còn là những con người mang khiếm khuyết (theo công thức khiếm khuyết + rào cản -> khuyết tật), cũng giống như biết bao con người khác trong xã hội, mỗi người một vẻ, không ai là hoàn hảo, hoàn thiện để cùng tạo nên xã hội và thế giới muôn sắc màu, ai cũng mang những nét đẹp riêng biệt, đặc trưng cá nhân tạo nên một môi trường sống đa dạng.
Ngôi nhà chính là nơi NKT cần tiếp cận thuận lợi đầu tiên. Gia đình là môi trường hòa nhập trước hết. Chính vì vậy điều chỉnh môi trường sống/nhà ở là yếu tố tối quan trọng, cần thiết giúp đảm bảo việc có thể hòa nhập thuận lợi, dễ dàng hơn cả đối với NKT; cũng như tạo thêm điều kiện/cơ hội để người khuyết tật được cải thiện về sức khỏe… Đó cũng chính là tiền đề để người khuyết tật có thêm tự tin, động lực hòa nhập cộng đồng, xã hội. Từ đó, góp thêm tiếng nói, đóng thêm công sức, cùng chung tay xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh….