Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Người khuyết tật (NKT) là một nhóm đối tượng cần được quan tâm và đồng hành trong xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng họ có thể thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, việc phổ biến kiến thức pháp luật cho NKT là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ các quy định pháp luật mà còn nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình trong xã hội.

Trong khi đó, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật đối với NKT là một nhiệm vụ đầy thách thức và khó khăn. Để vượt qua những khó khăn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội, và cộng đồng. Ngoài ra, cần có sự đầu tư và phát triển các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ, xây dựng tài liệu phù hợp, cũng như tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về pháp luật và nhu cầu của NKT.

 

 

  1. Vai trò, tầm quan trọng của phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Nhìn từ thực tế, chúng ta thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc phổ biến kiến thức pháp luật cho NKT là vô cùng lớn và mang tính cấp thiết. Bởi nó góp phần Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thúc đẩy hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể:

Đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có thể kế đến như tăng cường nhận thức về quyền và tự bảo vệ trước các hành vi xâm phạm đối với NKT. Phổ biến pháp luật sẽ giúp NKT hiểu rõ hơn về các quyền lợi và chính sách bảo vệ mà họ được hưởng, bao gồm quyền tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, văn hóa, thể thao… và các dịch vụ xã hội khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều người khuyết tật chưa nhận thức đầy đủ về quyền của mình, dẫn đến tình trạng bị xâm phạm quyền hoặc bị đối xử bất bình đẳng.

Cùng với đó, khi nắm rõ các quy định pháp luật, NKT có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi xâm phạm quyền, từ đó ngăn chặn và giải quyết kịp thời các tình huống bất công. Chẳng hạn, hiểu biết về luật lao động giúp họ bảo vệ quyền lợi trong công việc; có kiến thức về luật hôn nhân và gia đình giúp họ bảo vệ quyền lợi trong đời sống gia đình….

Từ đó, giúp NKT đảm bảo được bảo vệ như mọi công dân khác. Bởi, do những hạn chế về thể chất và tâm lý, họ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu rõ các quy định pháp luật. Việc phổ biến kiến thức pháp luật giúp họ nhận thức rõ ràng về quyền lợi của mình, từ đó tự bảo vệ bản thân trước các hành vi xâm phạm.

Đối với việc thúc đẩy hòa nhập, phổ biến pháp luật cung cấp cho NKT những kiến thức cần thiết để tăng cường sự tự tin và tự lập tham gia vào các hoạt động xã hội, từ việc tìm kiếm việc làm đến tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Khi hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, họ có thể tự lập hơn trong cuộc sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội.

Về nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến thức pháp luật giúp NKT hiểu rõ quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng như giao thông, y tế, giáo dục, và các tiện ích xã hội khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng phải được thiết kế đảm bảo thân thiện và dễ tiếp cận đối với NKT.

Đồng thời, việc phổ biến kiến thức pháp luật còn giúp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp bởi NKT cũng gặp phải những vấn đề tranh chấp như bất kỳ ai khác, từ vấn đề tài sản, hợp đồng, đến các vấn đề cá nhân khác. Hiểu biết về pháp luật giúp họ biết cách phòng ngừa và giải quyết những tranh chấp này một cách hợp lý, bảo vệ quyền của mình và tránh những rủi ro pháp lý.

Một xã hội mà mọi người đều hiểu biết và tôn trọng pháp luật sẽ là một xã hội bình đẳng và hòa nhập. Nó không chỉ giúp NKT cảm thấy được tôn trọng và được coi là thành viên chính thức của cộng đồng mà điều này còn tạo điều kiện để NKT phát triển và hòa nhập một cách toàn diện. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng cộng đồng đoàn kết, hòa nhập và bình đẳng, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển.

  1. Một số khó khăn, thách thức trong hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Mặc dù, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với NKT là rất lớn nhưng việc triển khai còn gặp khá nhiều khó khăn cùng những thách thức trong quá trình thực hiện. Có thể kể đến như:

NKT bao gồm nhiều nhóm với các loại khuyết tật khác nhau, từ khiếm thị, khiếm thính, đến các vấn đề về vận động và trí tuệ. Mỗi nhóm đối tượng lại cần có những phương pháp tiếp cận và công cụ phổ biến pháp luật riêng, đảm bảo thông tin được truyền tải một cách hiệu quả và dễ hiểu. Như, người khiếm thị cần tài liệu chữ nổi Braille hoặc các tài liệu âm thanh, trong khi người khiếm thính cần phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu hoặc phụ đề. Để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu này đòi hỏi phải có các phương tiện và công nghệ đa dạng, trang thiết bị hiện đại…

Cùng với đó là NKT có mức độ hiểu biết và khả năng tiếp nhận thông tin khác nhau. Ví dụ, người khuyết tật trí tuệ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật phức tạp thậm chí là đơn giản. Điều này đòi hỏi các thông tin pháp luật phải được biên soạn lại theo cách đơn giản và dễ hiểu hơn cũng như có những giải pháp phù hợp liên quan đến nhóm đối tượng giám hộ.

Trong khi đó, còn những hạn chế về phương tiện và công nghệ, thiếu tài liệu phù hợp và khả năng tiếp cận của NKT cũng là vấn đề cần được quan tâm. Sự thiếu hụt tài liệu pháp luật được thiết kế riêng cho NKT, như tài liệu chữ nổi Braille, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, hoặc các bản dịch sang định dạng dễ hiểu, là một thách thức lớn. Việc sản xuất những tài liệu này thường đòi hỏi kỹ thuật và chi phí cao. Đồng thời, không phải NKT nào cũng có khả năng tiếp cận các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, hoặc internet. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận thông tin pháp luật trực tuyến, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều tài liệu pháp luật được phổ biến qua các nền tảng số.

Tiếp đó, việc phổ biến pháp luật cho NKT đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về pháp luật đồng thời hiểu biết về nhu cầu đặc thù của NKT. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia đáp ứng được yêu cầu này còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền. Chủ yếu, các buổi phổ biến hiện nay do chính các tổ chức của NKT thực hiện theo phương thức chia sẻ thông tin, trao đổi lại và chỉ đôi khi có sự phối hợp với các chuyên gia…

Đặc biệt, nhiều tổ chức và cơ quan chức năng thiếu nguồn lực tài chính để phát triển và phân phối các tài liệu pháp luật phù hợp cho NKT hay tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp/trực tuyến. Điều này dẫn đến việc không thể triển khai các chương trình phổ biến pháp luật một cách rộng rãi và hiệu quả.

Một thách thức nữa đó chính là nhận thức xã hội và sự quan tâm trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đối với người khuyết tật. Hiện nay, công tác phổ biến pháp luật cho NKT thường chưa được chú trọng đúng mức do nhận thức xã hội còn hạn chế. Nhiều người vẫn coi NKT là đối tượng không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình, dẫn đến sự thiếu quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng và các cơ quan chức năng. Và trong một số trường hợp, NKT còn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng, làm giảm động lực và cơ hội tiếp cận thông tin pháp luật. Điều này càng làm tăng khó khăn trong việc phổ biến pháp luật cho NKT.

Ngoài ra, việc tổ chức tuyên truyền hiện nay chưa sâu rộng, chủ yếu tập trung vào Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Chỉ thị của Ban Chấp hành TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác người khuyết tật hay một số chương trình, chính sách trợ giúp mà chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề khác như lao động việc làm, hôn nhân gia đình, thương mại, doanh nghiệp hay các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ công dân…. Trong khi, bối cảnh hiện nay, NKT với những sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thụ hưởng từ các chính sách đã ngày càng hòa nhập một cách sâu rộng, bình đẳng và tương đối đầy đủ vào mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

  1. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với NKT

Trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi phải có những giải pháp để thúc đẩy, tăng cường các hoạt động cũng như nâng cao chất lượng hiệu quả của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật. Để làm được điều đó, có lẽ cần phải đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật, như:

– Phát triển các tài liệu pháp luật dễ tiếp cận: Các tài liệu pháp luật cần được biên soạn dưới nhiều hình thức như chữ nổi Braille, âm thanh cho người khiếm thị; ngôn ngữ ký hiệu và video có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, phụ đề để hỗ trợ người khiếm thính. Điều này giúp NKT dễ dàng tiếp cận và nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, chính xác, từ đó hiểu rõ các quy định pháp luật. Cùng với đó là thông tin pháp luật nên được biên soạn một cách đơn giản, dễ hiểu, và sử dụng ngôn ngữ dễ tiếp cận. Điều này đặc biệt quan trọng với những NKT có hạn chế về nhận thức hoặc khả năng đọc hiểu. Những tài liệu này cần được biên soạn và phát hành rộng rãi tại các thư viện, tổ chức hỗ trợ người khiếm thị, và các cơ quan pháp luật, các trang web, mạng xã hội và các ứng dụng di động.

          – Các ứng dụng di động và trang web cần được thiết kế thân thiện hơn với NKT, đảm bảo chuẩn tiếp cận, với các tính năng hỗ trợ như đọc văn bản, điều chỉnh kích cỡ chữ, độ tương phản ánh sáng, màu sắc, chuyển đổi/truy cập bằng giọng nói, hỗ trợ phụ đề/ngôn ngữ ký hiệu. Những nền tảng này có thể cung cấp thông tin pháp luật, cập nhật tin tức, và hướng dẫn thực hiện các quyền lợi pháp lý. Đồng thời phổ biến và khuyến khích sử dụng sử dụng công nghệ trợ giúp như máy đọc sách điện tử, và các thiết bị hỗ trợ khác. Nhà nước và các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ cung cấp những thiết bị này cho NKT.

– Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về pháp luật dành riêng cho NKT, với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, và người thân của NKT. Những buổi hội thảo này cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và tư vấn về các quyền lợi pháp lý. Cùng với đó là việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp cho NKT tại các trung tâm pháp luật, tổ chức xã hội hoặc các đoàn thể. Các buổi tư vấn này giúp NKT hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của họ.

– Thông qua các phương tiện truyền thông: Phát sóng các chương trình pháp luật với phần giải thích rõ ràng và có ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình hay đài phát thanh. Đây là kênh phổ biến pháp luật hiệu quả, tiếp cận được nhiều đối tượng NKT, đặc biệt là ở những khu vực không có internet. Đồng thời, phát hành các ấn phẩm báo chí và tạp chí với nội dung đơn giản, dễ hiểu về pháp luật dành riêng cho NKT. Các ấn phẩm này có thể bao gồm hướng dẫn, các câu chuyện thành công, và giải thích về các quyền lợi pháp lý.

– Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, nhất là phát huy vai trò các tổ chức, hội, nhóm của người khuyết tật để chia sẻ thông tin pháp luật thông qua các bài viết, video, và livestream với các phần giải thích chi tiết. Các nền tảng này có khả năng lan tỏa rộng rãi và dễ dàng tiếp cận NKT. Ngoài ra, có thể phát triển và duy trì (nếu có) các nền tảng trực tuyến chuyên biệt cho NKT; cung cấp thông tin pháp luật, hỗ trợ pháp lý, và diễn đàn trao đổi kinh nghiệm. Những nền tảng này tạo môi trường thân thiện và hỗ trợ NKT trong việc tìm hiểu và bảo vệ quyền lợi của mình.

– Đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia với kiến thức sâu rộng về các quyền và nghĩa vụ của NKT, đồng thời có hiểu biết về nhu cầu đặc biệt của họ, kinh nghiệm làm việc với đa dạng NKT. Những chuyên gia này có thể tham gia vào việc xây dựng tài liệu, tổ chức hội thảo, và tư vấn pháp lý cho NKT. Không những vậy, việc đào tạo và phát triển đội ngũ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu là cần thiết để đảm bảo NKT có thể tiếp cận thông tin pháp luật một cách đầy đủ và chính xác.

– Hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội: Các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phổ biến pháp luật cho NKT. Họ có thể cung cấp tài liệu, tổ chức các buổi tư vấn và hội thảo, và tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền.

Các tổ chức xã hội, đặc biệt là những tổ chức dành riêng cho NKT, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức pháp luật. Họ có thể tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn pháp lý, và cung cấp thông tin pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đồng thời, xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, và cộng đồng để giúp NKT tiếp cận và hiểu rõ các quy định pháp luật. Những mạng lưới này có thể cung cấp thông tin và hướng dẫn, đồng thời giúp đỡ NKT trong các tình huống cần sự can thiệp pháp lý.

– Tăng cường truyền thông và giáo dục cộng đồng như tổ chức các chiến dịch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, báo chí, và mạng xã hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền lợi của NKT và những thách thức mà họ phải đối mặt.

Đưa nội dung về quyền lợi và nghĩa vụ của NKT vào chương trình giáo dục trong các trường học, từ đó xây dựng nhận thức và thái độ tích cực đối với NKT trong cộng đồng.

Công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cần được triển khai rộng rãi và đa dạng. Nhà nước và các tổ chức cần hợp tác để xây dựng các chương trình giáo dục pháp luật dành riêng cho NKT, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho họ.

Tạm kết

Các phương thức tuyên truyền và phổ biến pháp luật cần được đa dạng hóa và phù hợp với từng loại khuyết tật để đảm bảo tính hiệu quả. Việc kết hợp nhiều phương thức khác nhau, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và sự tham gia tích cực của cộng đồng, sẽ giúp NKT tiếp cận thông tin pháp luật một cách toàn diện và dễ dàng hơn.

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Nam Định công bố quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Trung Thành

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang