Cảm hứng cho người không khuyết tật

 Năm 1998 “Pháp lệnh về người tàn tật” được ban hành, đây là lần đầu tiên có một văn bản pháp lý dành riêng cho đối tượng dễ bị tổn thương là người khuyết tật. Cũng từ đó, những vấn đề có liên quan đến người khuyết tật được xã hội chú trọng nhiều hơn. Nhưng thực sự chính cộng đồng người khuyết tật khi ấy còn rất “mờ nhạt”, phải đến ASEAN Paragames năm 2003 – Paragames đầu tiên được Việt Nam đăng cai, nhờ vào lợi thế nước chủ nhà, không mất chi phí đi lại, các vận động viên khuyết tật nước ta mới có nhiều cơ hội tham gia tranh tài.

VĐV Lê Văn Công dành huy chương tại Paralimpic Paris năm 2024

Với nhiều người khuyết tật, đó cũng là lần đầu tiên trong đời họ được dự một giải đấu lớn. Khi đó, người khuyết tật nước ta còn gặp nhiều khó khăn để có được điều kiện theo đuổi thể thao, thậm chí là thể thao phong trào, vì vấn đề kinh tế và điều kiện hoàn cảnh.

Tôi quen một người như thế. Cô tham gia tranh tài ở môn cầu lông, nội dung đôi nữ xe lăn, đoạt huy chương bạc giải năm ấy, rồi sau đó cũng giải nghệ luôn. Chiếc vợt dùng để thi đấu ở ASEAN Paragames treo bám đầy bụi ở góc nhà.
Chồng cô nghiện. Đồ đạc trong nhà lần lượt bị bán. Nhưng cô gái không tiếc, không khóc. Nhưng rồi căn nhà bắt đầu không còn gì để lấy, và đến lượt chiếc vợt biến mất. Phải tới tận khi ấy, cô mới khóc. Cô khóc rất nhiều, và nói với tôi rằng, bởi vì đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời; kỷ niệm về một lần duy nhất cô không mặc cảm rằng mình là một người khuyết tật, thấy mọi người không kỳ thị mình, mà nhìn nhận như một người “bình thường”.

Tôi nhớ lại câu chuyện ấy khi nghe tin vui từ Paralympic Paris năm 2024 (Pháp) khi vận động viên Lê Văn Công dành Huy chương đồng, tấm Huy chương duy nhất của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Vậy là Công đã hoàn tất bộ sưu tập huy chương của mình, kể từ tấm Huy chương vàng ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016 và tấm Huy chương bạc ở Paralympic Tokyo (Nhật Bản) năm 2020

Tác giả và VĐV Lê Văn Công trong một sự kiện tôn vinh những người khuyết tật

Và chiếc Huy chương vàng lịch sử của vận động viên cử tạ Lê Văn Công năm 2016 tại Rio de Janeiro vẫn đầy cảm xúc. Khi đó là sự chấn động không chỉ ở trong nước, ở khu vực Đông Nam Á hay cả châu Á mà là toàn thế giới.

Phát biểu sau khi đăng quang, Lê Văn Công nói rằng anh hy vọng tấm Huy chương này sẽ “giúp những người vẫn bị gọi là người yếu thế nhìn vào để có thêm động lực phấn đấu”.

Đúng là chiếc Huy chương quý giá ấy, với những người khuyết tật như chính tôi, là một niềm động viên lớn, một cảm hứng. Nhưng chiếc Huy chương của vận động viên Lê Văn Công có một tác động nữa: Nó không chỉ là cảm hứng cho người khuyết tật, mà còn là cảm hứng cho những “người lành lặn”. Người Việt Nam sau những năm dài phải chịu hậu quả từ các cuộc chiến tranh, nền kinh tế khi đó mới từng bước được phục hồi, bước ra ngoài chúng ta vẫn chưa hết “tự ti” với bạn bè năm châu, nên tấm huy chương của Công khi ấy cũng như ngầm tuyên bố rằng: “Có thể bạn không cao, nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”.

Trong một ngày mà khắp nơi trên mặt báo người ta thấy hình ảnh của Lê Văn Công ngồi trên chiếc xe lăn, khắp nơi chữ “người khuyết tật” được nhắc đến, tôi muốn nó là cơ hội để xã hội cùng nhìn lại việc “ứng xử” với người khuyết tật.

Đón Công mang chiến thắng và vinh quang về cho Tổ Quốc

Cô bạn của tôi không quá mẫn cảm khi nghĩ rằng giây phút đoạt Huy chương bạc ASEAN Paragames là “lần duy nhất trong đời” được đối xử “bình thường”. Những trở ngại mà người khuyết tật gặp phải trong xã hội là muôn hình vạn trạng, và đôi khi sự phân biệt đối xử phổ biến đến mức chính người thực hiện cũng không nhận ra.

Ví dụ như tôi đi làm, hay được khen kiểu: “Thầy Nam trông cũng đẹp trai đấy, chỉ tội cái chân…”. Người nói câu đấy có thiện ý khen thật, nhưng cái phản xạ vô thức nhắc đến chân tôi thì họ không làm chủ được. Họ không nghĩ rằng mình làm người khác tổn thương. Hay là những câu quen thuộc kiểu “Khổ thân con bé xinh thế mà ngồi xe lăn”, người nói cũng mang thiện ý thông cảm thật. Nhưng tác động thì có thể là ngược lại.

Ngay cả những hành vi giúp đỡ khi không cần thiết, thật ra cũng là một hành vi “phân biệt đối xử” trong vô thức. Có lần, ở Tam Cốc, tôi đang tha thẩn chụp ảnh, thì một cậu thanh niên hăm hở chạy đến “giúp” dìu xuống thuyền. Chưa kịp phản ứng gì đã thành ra bị “bắt cóc” lên thuyền và phải đi thêm một vòng khu di tích nữa. Hoặc có lần, tôi chứng kiến một cậu đang đứng lần mò đọc báo dán bảng tin, thì có hai cô gái trẻ nhanh nhảu chạy đến đọc to toàn bộ nội dung tờ báo “giúp” cậu kia. Cậu tức lắm, vì cho rằng người ta nghĩ mình thiểu năng trí tuệ. Chính hành động “giúp đỡ” kiểu ấy, hơn gì hết lại có thể là đang vô tình nhấn mạnh với người khuyết tật rằng họ… khuyết tật.

Những chuyện tôi kể có lẽ nhiều người sẽ cho rằng vặt vãnh. Nhưng chính bởi vì chúng nhỏ bé, nên không nhiều người nhận ra thường ngày. Rất nhiều công trình xây dựng ở nước ta, kể cả công trình công cộng, không có lối đi dành cho xe lăn.
Nhưng khi cái tên Lê Văn Công được xướng lên tại Rio, quốc ca Việt Nam được cất lên để tôn vinh một người ngồi trên xe lăn, tôi muốn tin rằng thông điệp được “bắn đi” không chỉ dành cho người khuyết tật.

Tôi cũng có một người bạn, khi quen biết nhau đã lâu trên mạng xã hội, khi gặp thấy tôi là một người khuyết tật, anh ấy hơi sững lại một chút, tình cảm của chúng tôi đã có khoảng lặng cho đến khi Lê Văn Công đoạt huy chương vàng thế giới. Anh ấy đã nghĩ nhiều về người khuyết tật và cơ duyên cho anh ấy được gặp Công thì thực sự anh ấy đã đứng hẳn về phía tôi, về phía của Công, phía gần hơn 7 triệu người khuyết tật tại Việt Nam khi anh đã hiểu “Họ chỉ là những người khiếm khuyết mà gặp phải những rào cản do xã hội, họ mới trở thành khuyết tật”.

Chiếc huy chương vàng ấy là để tặng cả cho những “người bình thường”. Để họ có một cơ hội nghĩ về người khuyết tật, hay rộng hơn, là về những nhóm thiểu số, nhóm yếu thế trong xã hội.

Chiếc huy chương vàng ấy, đã gián tiếp nói với thế giới rằng chúng ta là một quốc gia có thể tạo cơ hội để một người khuyết tật được vươn tới đỉnh cao của thể thao. Và giờ chúng ta có trách nhiệm cùng nhìn lại và tiếp tục hiện thực hoá điều đó.
Chiếc huy chương vàng ấy cũng là lời nhắn gửi để không còn ai, thuộc nhóm yếu thế nào, phải khóc vì tủi thân như những người tôi đã gặp. Cho dù họ là người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số hay bệnh tật…

Cuối cùng, trước những khoảnh khắc lá cờ Việt Nam được thượng lên tại mỗi kỳ thể thao, tôi rất muốn bạn nhìn lại và tự hỏi: Đã bao giờ mình vô tình làm tổn thương một người yếu thế?!

Nhật Nam

Bài viết liên quan

Picture1

Xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh để hỗ trợ Người khuyết tật

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang