Hôm nay (12-11), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 chính thức khai mạc, đánh dấu một trong những hoạt động quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. Sự kiện nhận được quan tâm rộng rãi cả ở trong và ngoài khu vực khi đây là dịp để ASEAN đánh giá tổng thể kết quả hợp tác trong năm 2020, cả nội khối cũng như với các đối tác và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo trên tinh thần thúc đẩy một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN trù bị, rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 là hội nghị cấp cao cuối cùng của ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2020. Sự kiện này cũng là dịp duy nhất trong năm lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của hiệp hội. Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau thảo luận về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến và thúc đẩy quan hệ đối tác. Tình hình quốc tế và khu vực cũng là một trong những nội dung được quan tâm khi việc định vị và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong thế giới hậu Covid-19 đã trở thành một chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự thời gian gần đây. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, sau khi tham khảo ý kiến các nước thành viên ASEAN và đối tác, Việt Nam đã quyết định tổ chức Hội nghị ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan theo hình thức trực tuyến. Đây không phải lần đầu tiên các sự kiện trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam diễn ra theo hình thức này. Trong năm nay, hiện thực hóa chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều cuộc họp quan trọng theo hình thức trực tuyến để duy trì sự kết nối giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác. Tiếp nối những thành quả đó, tại hội nghị cấp cao lần này, dự kiến có 20 cuộc họp và nhiều hội nghị liên quan, với hơn 80 văn kiện sẽ được trình lãnh đạo thông qua – số lượng văn kiện kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN cùng các đối tác ủng hộ như: Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng… Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Truyền thông quốc tế đánh giá, năm 2020 là một nhiệm kỳ đầy thách thức đối với nước Chủ tịch ASEAN, gánh trên vai nhiều trọng trách quan trọng trong bối cảnh khu vực cũng như thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia trong khi các nỗ lực mở cửa trở lại và từng bước phục hồi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là thử thách chưa từng có nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò và trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác để phòng, chống đại dịch trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Thời gian qua, Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò trung tâm của cộng đồng hơn 600 triệu dân để chống lại đại dịch toàn cầu, đồng thời từng bước phục hồi kinh tế và kết nối khu vực đang bị gián đoạn. Chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN và là cách để các nước thành viên cùng nhau vượt qua thách thức y tế nghiêm trọng này. Vượt qua muôn vàn khó khăn, nước chủ nhà Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cho dù hội nghị cấp cao lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng Việt Nam phải làm tròn trách nhiệm, tổ chức hội nghị trang trọng, đoàn kết và tiết kiệm, phải thể hiện khí thế nước chủ nhà ASEAN tốt nhất. Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức thành công sẽ góp phần thể hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN cũng như thế giới, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.