Từ trái qua: các nghệ sĩ Quang Ánh (bố Quế), Huyền Trang (Quế), Nguyệt Hằng (mẹ Quế) trong vở kịch Ngược chiều gió – Ảnh: T.ĐIỂU Câu chuyện về xung đột giá trị, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình được thể hiện sống động, hấp dẫn trong vở kịch Ngược chiều gió vừa ra mắt khán giả Hà Nội. 18 tuổi, Quế (nghệ sĩ Huyền Trang và Lệ Quyên) thi đỗ đại học chỉ vì lời hứa “con sẽ đỗ đại học”, rồi nhất quyết bỏ học vì “đại học đâu phải là con đường lập thân duy nhất”. Quế chọn người yêu là một cậu trai kém hai tuổi có xuất thân nghèo khó. Luôn tự chất vấn về những đồng tiền kiếm được của bố mình, cô quyết tự lập bằng công việc làm mẫu ảnh và nhân viên quán bar, dù cha mẹ cô cho đó là những việc làm đáng xấu hổ. Quế phá nát mọi sự sắp đặt của cha mẹ để được là chính mình. Tất cả việc Quế làm đều nghịch mắt cha mẹ, trong khi cô khát khao “sống một cuộc đời có ý nghĩa” nhưng theo cách của “một cánh diều ngược gió để bay lên”. Cô gái trẻ cá tính, thông minh gào lên tiếng gào hoang mang của tuổi trẻ: “Con cũng không biết phải sống thế nào cho đúng”. Bề mặt êm ấm, hạnh phúc của gia đình Quế bắt đầu vỡ dần khi mẹ Quế (NSƯT Hoa Thúy và nghệ sĩ Nguyệt Hằng) – một tiến sĩ giấy đi làm cho vui và thường xuyên phải “nạp đạn” cho lãnh đạo – bị sa thải vì cơ quan giảm biên chế. Chưa vượt qua cú sốc bị sa thải, phải cởi bỏ hết lớp bóng bẩy bề ngoài để ở nhà làm nội trợ, mẹ Quế lại thất kinh khi nhìn thấy những bất ổn trong gia đình, mà trước đây vì quá mải mê với danh vọng giả hiệu bà đã không nhìn thấy. Cơn hỗn loạn được đẩy tới đỉnh điểm khi bố của Quế (nghệ sĩ Quang Ánh và Bá Anh) – doanh nhân thành đạt – sắp phải đối mặt với sự trừng trị của pháp luật cho những vụ làm ăn phi pháp. Với tài thiết kế của NSƯT Doãn Bằng, chỉ một ngôi nhà với 4 cái cột và mái cách điệu mà giúp vở kịch chuyển cảnh rất nhanh và khớp, từ nhà của Quế tới quán bar, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng… Cảnh tượng bốn góc nhà bốn người co kéo ngược xuôi, mái nhà văng ra cùng việc những thành viên tự chất vấn và đối thoại với nhau để tìm lối ra ở cảnh kết đã mang lại hiệu quả thị giác ấn tượng, giúp đẩy cảm xúc của khán giả tới cao trào… Đề tài của vở kịch không mới nhưng với lối dựng hiện đại và dàn diễn viên trẻ tài năng, các nhân vật hiện lên sắc nét từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, kịch bản chặt chẽ và lời thoại hấp dẫn, rất đời đã khiến vở kịch ghi điểm với khán giả. Đêm diễn đầu tiên vừa qua, khán giả nhiều phen cảm thấy nghẹt thở khi mâu thuẫn gia đình lên tới đỉnh điểm, nhưng cũng có rất nhiều phút giây được thư giãn, được bật cười với những câu thoại dí dỏm, kiểu “Nếu cặp vợ chồng nào mà cũng hòa thuận thì Biển Đông đã cạn từ lâu rồi”… Cách thoại này gần đây đã rất được lòng công chúng trong các bộ phim truyền hình như Về nhà đi con, Ngày ấy mình đã yêu… Vở kịch sẽ có buổi diễn tiếp theo vào tối 9-11 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Theo Thiên Điểu/Báo Tuổi trẻ online