Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Một người cao tuổi khởi kiện Chủ tịch tỉnh và TP Vũng Tàu

TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Kiện quyết định hành chính về quản lí đất đai” của bà Nguyễn Thị Hòe (76 tuổi), ngụ đường Ba Cu, phường 3, TP Vũng Tàu. Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm, bởi người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh BR- VT và Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu…

Thu hồi đất không đúng với quy hoạch

Nội dung vụ việc liên quan đến Quyết định số 1513/QĐ-UB ngày 27/2/2003 của UBND tỉnh BR-VT thu hồi 2.485,80 m2 đất tại phường 8, TP Vũng Tàu (Quyết định 1513); Quyết định số 6836/QĐ-UB ngày 22/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất (Quyết định 6836); Quyết định số 5963/QĐ-UBND ngày 3/8/2018 của UBND TP Vũng Tàu phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bổ sung) cho bà Nguyễn Thị Hòe (Quyết định 5963); Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 2/2/2018 của UBND tỉnh BR-VT giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Hòe khiếu nại Quyết định số 6836/QĐ-UB ngày 22/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT (Quyết định 303).

Bà Hòe cho rằng, các quyết định nêu trên chưa đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nên khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy các quyết định trên.

Theo đó, Quyết định số 1513/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT không bảo đảm quy định pháp luật về quy hoạch sử dụng đất:

Khoản 1, Điều 39, Luật Đất đai năm 2003 về “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” quy định: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt…”

Các cơ quan thẩm quyền cho rằng, quy hoạch tại khu vực thu hồi đất là quy hoạch “phân khu du lịch”. Việc thu hồi và cấp đất cho Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát thanh truyền hình (gọi tắt là Trung tâm) để xây dựng Trung tâm “đào tạo” là không phù hợp với quy hoạch, trái quy định của pháp luật nêu trên.


Đại diện người khởi kiện trình bày tại Tòa.

Được biết, vào thời điểm thu hồi 1.027 m2 thì văn bản có hiệu lực về quy hoạch đối với đất khu vực này là Quyết định 1955/QĐ-UBT ngày 6/12/1993 của UBND tỉnh BR-VT về việc “phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu du lịch Bãi Sau, TP Vũng Tàu”. Từ căn cứ trên, bà Hòe cho rằng, đất của bà bị thu hồi không đúng quy định pháp luật về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo Khoản 1, Điều 39 Luật Đất đai năm 2003.

Tại phiên Toà sơ thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của bà Hòe đặt câu hỏi cho phía người bị kiện, thì được xác định: Quyết định 1955/QĐ-UBT ngày 6/12/1993 của UBND tỉnh BR-VT có trích yếu là “về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu du lịch Bãi Sau, TP Vũng Tàu”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tài liệu bà Hòe thu thập được để cung cấp cho Toà. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm đã không xem xét căn cứ này.

Ban hành quyết định “một đằng”, thực hiện “một nẻo”

Trong đơn kháng cáo, bà Hòe cho rằng, mục đích thu hồi 1.027 m2 đất giao cho Trung tâm để xây dựng dự án “đào tạo” là vi phạm quy định pháp luật vì:

Quyết định thu hồi đất số 1513/QĐ-UB về việc thu hồi 2.485,8 m2 được ban hành vào ngày 27/2/2003, khi Luật Đất đai năm 1993 còn hiệu lực (đến 23/12/2004). Vào thời điểm đó, việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được quy định:

“Điều 27: Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.”

Theo đó, Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP (hiệu lực từ 9/5/1998 đến 23/12/2004) quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng liệt kê cụ thể các trường hợp được xem xét là “Đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Rõ ràng, trong danh mục của Nghị định 22 thì đất sử dụng vào mục đích xây dựng Trung tâm “đào tạo” không được cho là “Đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Tại phiên tòa, người đại diện UBND tỉnh BR-VT cho biết, UBND căn cứ vào Điều 4 Nghị định 04/1998 ngày 11/2/2000 của Chính phủ để xác định đất sử dụng vào mục đích “đào tạo” được cho là “Đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Nhưng ngay sau đó, người đại diện theo uỷ quyền của bà Hòe đã bác bỏ ý kiến này, bởi trong danh mục trích dẫn quy định tại Điều 4 Nghị định 04/1998 không có trường hợp nào là “đào tạo” như ý kiến của đại diện UBND tỉnh BR-VT.

Đại diện theo uỷ quyền của bà Hòe còn chỉ rõ, trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích “đào tạo” sẽ được xem là “sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” chỉ được bổ sung tại điểm e, Khoản 3, Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (tức là chỉ được bổ sung sau thời điểm ban hành Quyết định 1513).

Vậy, đất sử dụng vào mục đích làm “cơ sở đào tạo” chỉ được xem là sử dụng cho mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng từ khi Nghị định 17/2006/NĐ-CP có hiệu lực. Còn khi Quyết định 1513 được ban hành thì đất sử dụng vào mục đích làm “cơ sở đào tạo” chưa được xem là sử dụng cho mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Từ đó cho thấy Quyết định 1513 đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về thu hồi và giao đất trái mục đích. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng hoàn thành, nhưng vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường như nội dung Quyết định 1513. Trong hồ sơ của Toà chưa có Giấy phép xây dựng do các bên cung cấp.

Khi Quyết định 1513 là Quyết định gốc, căn cứ để các cơ quan thẩm quyền ban hành tiếp các Quyết định đã trái quy định pháp luật thì tất cả các Quyết định khác căn cứ trên Quyết định 1513 đều có nội dung vi phạm pháp luật. Hậu quả là các Quyết định về bồi thường, hay giải quyết khiếu nại về bồi thường số 6836, 5963, 303 cũng đều cần phải huỷ bỏ.

Trong suốt phiên tòa, hai chuyên viên đại diện cho người bị kiện là Chủ tịch tỉnh BR-VT và Chủ tịch TP Vũng Tàu đều sử dụng quyền không trả lời hầu hết các câu hỏi từ phía người khởi kiện, khiến một số nội dung chưa thể làm rõ, đặc biệt là năng lực chủ đầu tư. Cuối cùng, HĐXX sơ thẩm tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Hòe.

Bà Hòe cho rằng, TAND tỉnh BR-VT đã bỏ qua một số tình tiết quan trọng, không làm rõ được nhiều nội dung bà đã phân tích và nêu ra ở trên. Việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho bà như vậy đã kéo dài từ năm 2003 đến nay khiến bà phải mòn mỏi chờ đợi, mất nhiều thời gian đi lại khi tuổi cao, sức yếu.

Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Hòe rất thất vọng với kết quả xét xử và đã làm đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Mai Thân / Ngày mới online

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top