Gần 2 năm qua, bà Võ Thị Ngọc Điệp ngụ tại Số 190 Long Thiện, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã cưu mang “Đại gia đá quý” một thời nay không nơi nương tựa.
Những lời bộc bạch từ tâm
Ông Khôn – tên đầy đủ là Trịnh Hồng Khôn, sinh năm 1935 có HKTT tại tổ 5, ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Theo lời mọi người kể lại thì ông Khôn trước đây làm nghề buôn đá quý, giàu có lừng lẫy một thời nhưng không biết vì sao lại trở nên “thân bại danh liệt”, không con, không cháu, không nơi nương tựa như hiện nay.
Nếu nói chính xác hơn thì ông có con, có cháu nhưng có con cháu “cũng như không” vì ai cũng hắt hủi, xua đuổi ông khiến ông phải đi tìm nơi ở trọ sống qua ngày. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao thì cụ ông nghẹn ngào và từ chối chia sẻ. Chắc hẳn ai cũng có những bí mật riêng, những nỗi niềm riêng mà không muốn chia sẻ cho bất cứ ai khác.
Bà Điệp gặp ông Khôn cũng là cái duyên, cái phận để ông Khôn có người tốt giúp đỡ. Do ông Khôn tuổi đã cao, sức yếu, bệnh tật liên miên nên việc tìm được một nhà trọ là việc không dễ dàng. Ông có nhờ một người là người quen của bà Điệp tìm giúp nhưng không một ai đồng ý vì sợ ông Khôn sẽ chết trong nhà họ. Nghe thì có vẻ tàn nhẫn nhưng đó cũng là thực tế vì với tình trạng sức khỏe của ông Khôn thì việc ra đi bất cứ lúc nào là điều xảy ra rất dễ dàng. Chính vì vậy, khi nghe được sự việc, bà Điệp rất cảm thông với hoàn cảnh của ông vì thế nên ra sức hỗ trợ trong việc tìm kiếm nhà ở. Sau một thời gian vẫn không tìm được nhà, bà Điệp quyết định đưa ông Khôn đến và để cho ông ở nhà của mình, đồng thời cung cấp đồ ăn, nước uống nuôi ông sống qua ngày.
Nơi ở của ông Khôn đủ để ông có nơi che mưa che nắng
“Ông Khôn yếu lắm, mỗi lần đi lên dốc hay xuống dốc chúng tôi đều phải dìu mới đi được” – Theo lời bà Điệp kể. Ông Khôn thường xuyên ốm đau, khó thở, bị mắc rất nhiều bệnh như huyết áp cao, thiếu máu, viêm phổi, bị di chứng của đột quỵ… nên mỗi lần như vậy bà Điệp đều phải đưa ông đi bệnh viện thăm khám hoặc tìm y – bác sỹ đến tận nhà để truyền thuốc, tiêm thuốc. Nhưng cũng may mắn rằng ông có hơn 600 nghìn tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi và cũng có bảo hiểm y tế nên việc điều trị cũng đỡ tốn kém hơn. Đối với số tiền còn thiếu cho những đợt điều trị thì bà Điệp thường sẽ là người bỏ ra mà không yêu cầu ông Khôn phải hoàn trả.
Tưởng chừng để làm được những việc đó thì bà Điệp phải là người giàu có lắm, nhưng không, bà Điệp chỉ là người “giàu” lòng nhân ái chứ không “giàu” về của cải vật chất như mọi người nghĩ. Hoàn cảnh gia đình bà cũng khá là éo le, con gái thứ hai của bà là Nguyễn Thị Sang (19 tuổi) không được bình thường như bao người khác. Cháu Sang được chứng nhận người khuyết tật nặng và được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của nhà nước. Chồng bà Điệp – Ông Võ Văn Thanh hàng ngày chỉ ở nhà làm việc vặt trong nhà và coi việc chăm sóc cháu Sang là nhiệm vụ chính nên cũng không tạo ra được thu nhập. Không những thế, hiện nay, bà Điệp còn bị người khác cướp đất, cướp nhà một cách cực kỳ trắng trợn nên đang rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng.
Bà Điệp là tấm gương cho những người có lòng hảo tâm, sống với phương châm “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong xã hội hiện nay. Khi đất nước ngày càng phát triển, khi cuộc sống của chúng ta ngày càng sung túc, tiện nghi hơn thì đâu đó trong cuộc sống vẫn có những con người có hoàn cảnh éo le, sống lang bạt, không nơi nương tựa đang rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Đâu phải ai cũng may mắn như ông Khôn là gặp được một người tốt như bà Điệp, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” quả là không sai.
Đinh Nguyên