Trang chủ / Bạn đọc

Thân nhân Liệt sỹ được hưởng chế độ gì? Đối tượng nào được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng”?

Câu hỏi: Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 02 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 02 liệt sĩ từ bé có được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của 02 liệt sĩ không? Và có được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”?

Trả lời:

Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 02 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 02 liệt sĩ từ bé có được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của 02 liệt sĩ không?

Đối với câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp trả lời bạn như sau:

Theo Pháp lệnh 26/2005/PL – UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 26/2005/PL – UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005” ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2005 và Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” ban hành ngày 16 tháng 7 năm 2012 thì:

Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi

Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi (theo Điều 2 Pháp lệnh 26/2005/PL – UBTVQH11 và Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13) là:

– Người có công với cách mạng:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945;

+ Liệt sĩ;

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

+ Bệnh binh;

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Người có công giúp đỡ cách mạng.

– Thân nhân của người có công với cách mạng quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 31/ 2013/NĐ – CP của Chính phủ  “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” giải thích:

– Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

– Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên.

Chế độ ưu đãi được hưởng

Người có công với cách mạng và thân nhân của họ được Nhà nước, cộng đồng quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi (theo Điều 4 Pháp lệnh 26/2005/PL – UBTVQH11)là:

– Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần;

Chính phủ quy định mức trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ đảm bảo tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội.

– Các chế độ ưu đãi khác.

Theo đó, chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ (quy định tại khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”) gồm:

– Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử;

– Trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ quy định tại điểm này thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;

– Khi báo tử, liệt sĩ không còn thân nhân quy định tại khoản 1 Điều này thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng khoản trợ cấp tiền tuất một lần như đối với thân nhân liệt sĩ;

– Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần;

– Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh này;

– Cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần.

Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;

– Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp;

– Con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này.

Chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ

Chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ (theo Điều 20 Nghị định 31/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”) quy định như sau:

– Thân nhân của một liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn.

– Thân nhân của hai liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng hai lần mức chuẩn.

– Thân nhân của ba liệt sĩ trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng ba lần mức chuẩn.

– Vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn

– Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp ưu đãi.

– Thời điểm hưởng:

+ Người hy sinh từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi liệt sĩ hy sinh;

+ Người hy sinh trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013;

+ Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

+ Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Nguyên tắc hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ

Nguyên tắc hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ (theo Điều 3 Nghị định 31/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”) là:

– Thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

– Thân nhân của hai người có công từ trần trở lên được hưởng tối đa hai suất trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

– Thân nhân của một liệt sĩ đồng thời là thân nhân của hai người có công từ trần trở lên chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một liệt sĩ và trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một người có công từ trần.

– Thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đồng thời là thân nhân của người có công từ trần chỉ hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ.

– Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của một đối tượng trong trường hợp người có công với cách mạng từ trần thuộc hai đối tượng trở lên quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh.

– Không áp dụng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với con của người có công với cách mạng từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học trong trường hợp sau:

+ Không tiếp tục đi học ngay sau khi kết thúc bậc học phổ thông;

+ Đã hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học;

+ Đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học mà thôi học hoặc bị buộc thôi học.

Đối tượng nào được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”?

Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiêu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (theo Điều 3 Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”) gồm:

– Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi

Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Ví dụ: Bà A có 02 con đẻ là liệt sĩ, trong đó có 01 con là con nuôi của bà B; bà B có 01 con đẻ là liệt sĩ và 01 con nuôi (con của bà A) là liệt sĩ, thì cả bà A và bà B đều được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

– Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác

Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.

Ví dụ: Bà C có 02 con là liệt sĩ, trong đó có 01 con là chồng của bà H; bà C đủ điều kiện được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà H có chồng là liệt sĩ (con của bà C) và có 01 con là liệt sĩ, bà H cũng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

– Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá

+ Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.

+ Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.

– Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

– Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất.

Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ mà những người con khác đều đã chết trước khi người con là liệt sĩ tham gia cách mạng

Huyền My

Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt - Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội về người khuyết tật VN

Giấy phép Báo điện tử số 120/GP-BTTTT của Bộ TT và TT

Tổng Biên tập: Nguyễn Gia Cương - ĐT: 0973008899

Phó Tổng Biên tập: Nguyễn Hồng Thái - ĐT: 0969268335

Trụ sở: 991 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Email: toasoandhv@gmail.com