![]() |
Miến được phơi khô ngoài nắng sau khi tráng |
Xây dựng, phát triển thương hiệu miến dong
Đến Na Rì những ngày này, chúng tôi được ngắm nhìn những khoảng sân, vườn phơi miến óng ả dưới nắng vàng. Được coi là vùng đất khởi nguồn của cây dong riềng bởi khí hậu quanh năm mát mẻ của vùng núi đá cao, rất thích hợp để cây dong riềng phát triển, kết hợp với sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm đã tạo nên những sợi miến bóng đẹp, dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không hề sử dụng hóa chất. Từ chỗ chỉ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, đến nay sản phẩm miến dong Na Rì đã từng bước có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Là một trong những cây trồng chủ lực, năm 2017 huyện Na Rì tập trung phát triển diện tích trồng dong riềng tại 16/22 xã, thị trấn với tổng diện tích 500ha, tăng gần gấp đôi diện tích của năm 2016. Trong đó xã Côn Minh là vùng trọng điểm với diện tích là 100ha. Cùng với việc quy hoạch chặt chẽ vùng trồng dong để đảm bảo lợi ích của người trồng, trong những năm qua, huyện Na Rì đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu miến dong của quê hương.
Đồng chí Lộc Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: Từ khi miến dong Bắc Kạn được cấp nhãn hiệu tập thể (năm 2012), đến nay trên địa bàn xã đã có 13/17 cơ sở sản xuất miến dong trên toàn tỉnh đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”. Các cơ sở đã chú trọng việc sử dụng bao bì, mã vạch để nâng cao chất lượng, mẫu mã, đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tránh được tình trạng giả mạo miến dong Na Rì; đặc biệt chú trọng đến chất lượng miến, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến...
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, giá trị sản phẩm miến dong Na Rì chưa tương ứng với chất lượng sản phẩm. So với miến dong trên thị trường loại cao nhất được bán với giá trên 80.000 đồng/kg thì miến dong Na Rì giao động từ 60-70.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do một số máy móc, trang thiết bị của các cơ sở lạc hậu, xuống cấp cùng với đó người dân chưa chú trọng thay đổi quy cách sản phẩm. Một ví dụ nhỏ trong việc đóng gói sản phẩm, đó là một số cơ sở sản xuất miến ở Côn Minh sau khi phơi miến lên sào vẫn áp dụng cách gập đôi bó miến lại sau đó đóng gói, hoặc đóng miến vụn lẫn vào gói miến dài… gây bất tiện cho người dùng. Bởi vậy cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất miến với nhiều quy cách phong phú, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, xã mong muốn có nguồn vốn hỗ trợ các hộ đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị chế biến miến.
Nhìn lại thị trường tiêu thụ miến dong dịp Tết Nguyên đán 2017, sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ với số lượng lớn là miến dong Triệu Thị Tá, xã Yến Dương (Ba Bể). Năm 2016 cơ sở của chị Tá tiêu thụ khoảng 200 tấn bột dong cho bà con, sản xuất được hơn 60 tấn miến thành phẩm, trừ chi phí chị thu được khoảng 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm được cho 6-8 lao động ở xã.
![]() |
Sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá |
Theo chị Triệu Thị Tá: Chất lượng sản phẩm miến dong tốt chưa đủ, mà phải thêm bao bì đẹp mới thu hút nhiều khách mua. Để sản phẩm miến dong được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, tránh tình trạng giả mạo, chị Tá đã tự lên ý tưởng làm bao bì sản phẩm rồi xuống Hà Nội đặt in, tiến hành đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và bảo hộ thương hiệu...
Đến nay cơ sở sản xuất miến dong của chị Triệu Thị Tá đã nhiều lần thay đổi mẫu mã bao bì cho phù hợp với người tiêu dùng. Bao bì chính thức hiện nay được in hình bà chủ mặc trang phục dân tộc Dao, vai đeo gùi miến, giúp tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá.
Để miến dong Bắc Kạn vươn xa
Theo chị Trần Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Kạn, đơn vị được giao quản lý nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”: Hiện nay trên toàn tỉnh có 17 cơ sở miến đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất về bao bì sản phẩm, đưa các sản phẩm miến dong đi tham gia các hội chợ, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang web của ngành về sản phẩm miến dong, đồng thời thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm như: Sản xuất và chế biến miến dong từ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; chỉ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong được sản xuất trên địa bàn tỉnh; cam kết thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, có trách nhiệm gìn giữ và nâng cao giá trị, hình ảnh của nhãn hiệu tập thể…
Đồng chí Dương Hữu Bường- Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế của miến dong Na Rì, huyện tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới các dây chuyền sản xuất phù hợp. Thúc đẩy việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm tinh bột và miến... Trong năm 2016, huyện chỉ đạo thành lập HTX Côn Minh nhằm tập hợp các hộ sản xuất miến nhỏ lẻ, từ đó kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm miến dong, ổn định thị trường và tăng thu nhập cho người dân.
17 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” gồm: Cơ sở Nhất Thiện; miến dong Hoàng Thị Mười (Ba Bể); miến dong Chính Tuyển; miến dong Dũng Huệ; miến dong Khánh Thảo; miến dong Huấn Liên; miến dong Hoàng Văn Hoà; miến dong Bồng Chuyên; miến dong Tài Hoan; miến dong Quát Vinh; miến dong Triệu Văn Đoàn; miến dong Nguyễn Văn Tuấn; miến dong Quý Tám; miến dong Quang Đoàn; miến dong Chung Tuyết; Hợp tác xã Côn Minh và Cơ sở miến dong Luyến Uyên (Na Rì). |
Từ kết quả kinh tế đạt được, có thể khẳng định giá trị sản phẩm miến dong Bắc Kạn, qua đó giúp tăng thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên để xây dựng phát triển thương hiệu bền vững, cần có những giải pháp mang tính thực tiễn cao trong đó đặc biệt phải dựa trên tính thích ứng của thị trường về nhu cầu chủng loại, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì… Từ đó làm cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp, các hộ trực tiếp sản xuất sản phẩm phân tích lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nhằm cải tiến nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm thường xuyên.
Qua thực tế khảo sát tại các cơ sở sản xuất, chế biến miến dong tại Na Rì trong tổng số hơn 70 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong thì chỉ có 17 cơ sở đăng ký sử dụng bao bì nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”. Lí do đưa ra là việc đầu tư in bao bì cần phải có số vốn lớn nên các cơ sở quy mô hộ gia đình không đủ sức đầu tư. Bởi vậy để xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững cần thiết phải tập hợp các hộ cá thể sản xuất nhỏ lẻ vào các tổ hợp tác, HTX để cùng sản xuất sản phẩm có chất lượng, đồng thời tiếp cận nhanh hơn với nền kinh tế thị trường hàng hóa thông qua việc góp vốn để sản xuất, tiếp cận với các kiến thức về kinh tế, vươn tới các thị trường lớn ngoài tỉnh…Đồng thời, cần chú trọng đầu tư cho hoạt động phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm để tạo giá trị lợi nhuận lớn cho các cơ sở sản xuất, chế biến miến dong, từ đó nâng cao giá trị củ dong riềng, cải thiện đời sống cho các nông hộ trồng dong./.
Theo Chung Thảo/Báo Bắc cạn